Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Các bạn thân mến,



Trang trao đổi, chỉ muốn đề cập đến những gì khi còn trong suy nghĩ, nếu kịp biết có thể tránh những điều không hay đưa đến cho chính mình. Bởi khi đã phát ra hành động thì không bàn đến nữa.

Tất cả những buồn khổ trong tâm, do tâm vọng động tiếp nối, và trang chỉ nói đến điều này. Nếu giúp được nhau giảm những phiền muộn đang nặng trong tâm, thì thật hân hạnh.

Đơn giản vậy thôi.

Nếu các bạn thấy không thích hợp với sự trao đổi này, thì xin bạn đừng bận tâm đến trang trao đổi này nữa.

Ngoài ra trang không có một ý dẫn dắt gì ai, cũng không có ý bắt ai phải theo những cách đang đề cập đến.


Trân trọng.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Có thể chăng?

Chúng ta thường nói "Rồi sẽ qua", khi đang đối mặt với những gì đang làm choáng tâm.
"Rồi sẽ qua". Vâng rồi sẽ qua.

Nhưng sự việc tái lập lại dưới một hình thức khác, với một lời nói khác, cũng gây thương tổn trong tâm chúng ta, như chuyện "rồi cũng qua" những lần trước.

Nhận biết những giao động của tâm để biết tâm có thể dừng khi sóng còn đang mạnh, sóng trên biển mạnh bởi cơn gió thổi liên tục, khi tâm suy nghĩ liên tục về việc đang thương tích, có lẽ cũng tương tự.

Bước đầu chỉ là hiểu thế, mọi sự có thể làm được là ngay lúc bạn đang chao đảo, mới thấy được sự diệu kỳ của dừng bớt lại những suy nghĩ mà chính chúng ta đang nuôi lớn bởi cứ mãi tô đậm thêm vết thương đang có.

Vết đau đang thật, đang có, không thể nói là không! Khi đã lỡ chấp nhận để vào trong tâm, rồi giữ chặt nó, và nuôi nó lớn. Nhưng nếu chúng ta chờ tiến trình thành-trụ-hoại-không thì hết nỗi đau này sẽ chịu nỗi đau khác.

Giải thoát tâm bớt những phiền muộn do đời sống biến động, những áp lực công việc, những va chạm trong tình người... mà không phải là chạy trốn.

Bạn có đang nghĩ rằng có thể chăng?


Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Ít khi thấu hiểu

Bạn có để ý chúng ta thường có điều này trong tâm không?
Bạn có thể tự chê mình thế này thế kia, nhưng người khác không thể chê bạn dù một điểm nhỏ.
Chúng ta có thể khen một ai đó, nhưng nếu họ tự khen họ chúng ta sẽ không bằng lòng.

Để ý thêm về chính tâm chúng ta một chút, sẽ thấy, chúng ta có thể chọn một chỗ ngồi không tốt trên chuyến xe, chúng ta có thể hy sinh những gì thay vì mình có, cho người khác. Nhưng nếu bước lên xe bị sắp vào chỗ không tốt, trong tâm sẽ khởi không vui, khi bị bỏ quên chúng ta cũng không chịu được…

Khi nhận ra kịp những khởi nghĩ hay cảm xúc đó trong tâm, đó là sức tỉnh giác về chính mình. Bạn có thắc mắc vì sao tâm chúng ta thường như thế không? Nếu có, sự thắc mắc này sẽ thành sức phản chiếu những gì tâm khởi, dần hiểu ra những cái còn ẩn khuất trong tâm mà chúng ta ít khi kịp thấu hiểu chính tâm mình.

Khác biệt giữa sự thông minh hiểu ra và sức nhận biết là, dù thông minh hiểu mọi việc tới đâu cũng vẫn buồn khổ, nhưng sức nhận biết sẽ giúp tâm nhanh lắng yên.

Sẽ phải mất bao lâu để có được sự bén nhạy với tâm khởi?

Câu trả lời chỉ do chính chúng ta. 

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Chỉ trên sự hiểu

Những gì chúng ta hiểu, chưa phải là xong, đến khi gặp việc, nếu cái hiểu kia chẳng dùng được, thì rốt cuộc kể như chưa hiểu vậy!

Có những từ rất đơn giản, như "nhân quả". 
Lý này đơn giản dễ hiểu, hễ gieo nhân thì có quả, nhưng sự hiểu này chỉ để an ủi người. Còn chính mình, khi gặp việc thì loay hoay chờ người khác đem lý nhân quả ra an ủi.

Hằng ngày cuộc sống đều gởi đến chúng ta nhiều bài trắc nghiệm. Nếu cứ mãi trách móc cách đối xử của ai đó, là biết rằng mình chưa hiểu gì về nhân quả. Sự hiểu chỉ trên trí thông mình, nên khi gặp việc không thể biết rằng, không phải khi không mà sự việc như thế.

Chỉ lắng tâm nhìn tâm trách móc của mình dành cho người là biết chính mình chưa ứng dụng vào đâu được những hiểu biết. Sự thông minh giỏi giang chưa giúp tâm bình ổn trước đôi việc đơn giản.

Khi sự hiểu thành ứng dụng thấm sâu, sẽ giúp mình nhanh chóng bình tâm, vì biết rằng mình đã thế nào, mới gặp việc thế này! Tâm thanh thản nhanh hơn.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Một chữ buông!

Chúng ta thường thấy có những thư pháp viết một chữ BUÔNG.

Nhưng thật nghĩa cảm nhận về một chữ này rất khó. Vì chúng ta nói buông, nhưng thực chất thì chỉ cất đâu đó trong một góc tâm. Điều này dễ nhận ra khi có việc gì chạm đến điều chúng ta đã nghĩ là đã "buông", mới thấy điều đó vẫn y nguyên như vậy, phản ứng trong tâm cũng chưa thay đổi gì mấy, dù bảo đã buông, đã qua, đã quên...

Cho nên khi nhắc với chính mình là "buông đi" có nghĩa là việc  đó chưa thể cho qua được. Thực sự vẫn chưa cảm nhận được buông là thế nào. 

Sự đơn giản nhất với chúng ta BUÔNG chỉ là không nghĩ đến! Chỉ cần dừng suy nghĩ về một việc gì đó, gọi là buông. Khi có được thói quen (sự huân tập) về bớt nghĩ đến việc chúng ta đang đau khổ, bớt nghĩ đến, bớt vẽ thêm ảo tưởng cũng là một quá trình tu học lâu dài. Không thể chỉ hiểu mà có thể làm được ngay.

Bắt kịp những vọng động của tâm, chúng ta mới có thể dừng bớt suy nghĩ, bớt ảo tưởng... Bước đầu phải là giảm bớt tốc độ của liên tưởng, của tưởng tượng. Nếu dừng đột ngột ngay, như một chiếc xe thắng quá gấp khi đang chạy với tốc độ quá nhanh, thì trừ khi tài xế đại tài mới không gây ra sự nguy hiểm cho chính mình, và những người đang đi cạnh.


Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Sao không thật lòng

Chúng ta thường muốn được đối xử thật lòng, nhưng không biết vì sao ít khi được như vậy.

Có khi nào chúng ta để ý rằng, vì một chút tâm đố kị ganh tị của mình, khiến một đời chúng ta nhận được sự ưu tiên, nhưng thực chất không là như thế.

Không ai muốn nhận sự ưu tiên như thế, nhưng đâu biết rằng chính mình chọn cách như thế.

Khi sống gần một người lộ ra những điều đó, bạn làm sao khác hơn phải luôn dành ưu tiên cho đương sự để nhà cửa ôn hòa. Không không dám vui vẻ với người khác, không dám để việc gì ưu tiên hơn cho ai khác.

Thật đáng buồn nếu chúng ta là “đương sự” đó. Được mọi thứ tốt đẹp bên ngoài, trong khi chính tâm tư luôn bị thiêu đốt bởi ganh tị, so đo, và đáng buồn nhất là những gì “đương sự” nhận được không do sự thật lòng trao tặng.

Khi nào nhận ra rằng, lúc luôn muốn mình được, có nghĩa là mình đã mất chỗ đứng trân trọng trong trái tim người! May ra lúc đó có thể thay đổi mọi điều.


Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Sẽ tựa vào ai

Nếu còn nhỏ sẽ tựa vào cha mẹ, lớn lên đi học tựa vào thầy cô, rồi chọn một ai đó để tựa vào.

Khi mất điểm tựa này, chúng ta vội vã tìm điểm tựa khác, ít khi kịp nhìn xem mình đang thế nào. Chúng ta chỉ thường thấy ta khổ vì ai đó, mà ít khi hỏi ta khổ vì sao?

Hiếm có dịp nhìn lại mọi diễn biến nơi tâm, nên sức bên ngoài mới làm mình chao đảo hơn sức chao đảo có thật!

Đôi lúc chúng ta nghĩ mình sẽ chết vì ai đó, nhưng chúng ta chỉ chết vì những suy nghĩ của mình mà thôi.


Đôi lúc trong đời, bạn nhỉ! Ngẫm nghĩ lại những gì gây giông bão cho tâm mình lâu nay, bình tâm buông ra - người hay cảnh mà mình nghĩ là tác nhân khiến mình đau khổ thế này, mới mong lúc đó có dịp để hiểu vì sao chúng ta một đời lao đao.

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Sao để trong tâm

Một người đã không muốn nói đến, nhắc đến, nhưng hình như trong tâm luôn nói đến nhắc đến và bộc lộ điều đó ra ngoài bất cứ lúc nào khi có thể.

Khi nói ra những lời không hay về ai đó, bộc lộ ra những hành động không vui, vô tình chúng ta đã tự nói rõ mình đang thế nào.

Sự thật thế nào qua những lời nói kia, nó bao hàm những gì trong đó, dường như ai cũng biết, trừ chính đương sự đang trong cơn u mê.

Những gì chúng ta nói về ai đó, đều đúng với cái nhìn chứa đầy buồn giận của mình.


Chúng ta sẽ thế nào khi đang quá muốn một ai đó đừng ở trong tâm mình nữa, nghĩ đến làm chi cho bực thêm! Tuy là nói vậy, nhưng hình ảnh kia, vẫn đó trong lời nói, trong suy nghĩ, đôi khi đến cả trong giấc mơ.

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Thực chất nỗi buồn

Nghe một bản nhạc buồn, đọc một truyện buồn, xem một phim buồn… Bạn nghĩ rằng phim, truyện, nhạc làm mình buồn.

Nếu Bạn đang có nỗi buồn nào đó. Im lặng. Thì nỗi buồn kia được gán cho phim cho nhạc. Thực chất đó là nỗi buồn của bạn!

Phim, truyện và nhạc… chỉ nói lên dùm bạn là bạn đang buồn!

Có những góc tâm rất tế nhị, nếu không nhìn ra, thì thật khó mà gạn được nỗi buồn đang chìm trong tâm chính mình. Sự tương ưng của phim nhạc truyện là nói lên dùm điều mình muốn bày tỏ, nhưng không biết sao nói được, bởi có những điều trong góc khuất và chính chúng ta cũng không biết rằng những điều đang xảy ra, khiến có nỗi buồn như vậy! 
Vì mình không tin rằng điều đó có thể va chạm được tới tâm tư mình!


Có những điều cũng rất bất ngờ khi chúng ta chợt bắt gặp trong tâm bạn nhỉ!



Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

"Thân lừa ưa nặng"

“Thân lừa ưa nặng” là thành ngữ ví người ương bướng, ngang ngạnh một cách ngốc nghếch, phải để người ta có biện pháp mạnh mới chịu phục tùng, nghe theo.

Đọc câu này chắc chúng ta không đồng ý, thường cho rằng mình bén nhạy thông minh, như ẩn dụ ngựa thấy bóng roi đã chạy theo một tích truyện trong A-hàm:

Cao nhất là hạng tuấn mã (hay lương mã), chỉ cần thấy bóng roi đã hiểu ý của người mà chạy. Hạng ngựa thứ hai phải để roi chạm lông rồi mới hiểu. Hạng thứ ba đợi roi đụng vào thịt mới vỡ lẽ ra. Còn hạng thứ tư, phải chờ lúc roi quật thấu xương tủy rồi mới bắt đầu hiểu mà chạy.”   

Dường như lúc nào chúng ta cũng nghĩ mình tự trọng tự giác, nếu được vậy thì nội quy không cần nữa! ban đầu đâu có nội quy gì, dần dần càng lúc quy định càng chặt chẽ.

Nơi nào nhiều nội quy, nhiều kỷ luật nhiều đe răn là biết thấy bóng roi chưa chạy. Nhắc nhở chưa đủ để tự tỉnh giác ít, mới cần nhiều kỷ luật. Cái hàng rào càng chắc thì biết tâm ruổi rong chưa dừng, nên làm nhiều lớp rào để giữ chân.

Bạn có để ý rằng chính vì chúng ta ưa nặng mới chịu chạy, nên cứ chờ bị kỷ luật, nhắc nhở trách phạt... mới chịu tuân theo!


Đáng buồn bạn nhỉ! 


Thứ Tư, 23 tháng 10, 2013

Hoàn cảnh tác động

Hoàn cảnh tác động lên tâm, nhưng sự dừng tâm duyên theo cảnh là việc của chúng ta.


Bạn nghĩ có thể được không?

Chủ Nhật, 13 tháng 10, 2013

Mười lần hết chín

Ai nhận xét về chúng ta hay nhắc nhở chỉ lỗi, thì hình như mười lần hết chín -nếu không muốn nói là cả mười lần- đều hiểu lầm hoặc không đúng. Chính vậy hễ ai nói tới chúng ta, là có sự thanh minh, phân bua.

Nếu chỉ thanh minh, giải thích thì mọi sự cũng chưa đến nỗi. Đúng ra chúng ta không có lỗi gì cả, chỉ vì cái nhìn sai khác trên một sự việc mà có những nhận xét đau lòng về nhau. Nhưng khổ nỗi, chúng ta thường không bình tĩnh, nên phản ứng nhanh, nên gây ra lỗi vô lễ ngoài ý muốn, hoặc phải đi kể cho mọi người biết sự vô tội của mình, và dĩ nhiên người rầy rà  mình đúng là một người … người không hiểu việc!

Bình thường chúng ta không có ý nói những điều không tốt về người khác, vì nói một điều không tốt về ai, đã là khó coi, tự làm giảm giá trị mình rồi. Nhưng bây giờ vì tức quá nên tự làm cho chính mình thốt ra lời lẽ không hay về người!

Từ không lỗi thành  lỗi về phần chúng ta là đây.


Điều này thật đơn giản bạn nhỉ, nhưng vì chúng ta không để ý, nên thay vì chỉ bị hiểu lầm đôi chút, mình chẳng có lỗi gì, nhưng bây giờ đã gây thành lỗi. Và cũng mười lần hết chín, chúng ta đều phản ứng quá nhanh để bảo vệ sự vô tội của mình, mà đưa đến những gãy đổ, đúng ra chẳng đến nỗi như vậy.


Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Đâu là chân tường

Biết bao lần chúng ta đối diện với những sự buồn rầu, chỉ bởi một lời nói quá giới hạn của ai đó.
Không ai biết đâu là chân tường, và cũng đâu ai muốn mình là giọt nước cuối để đưa đến đổ vỡ.
Vì sao, có lẽ chỉ vì giới hạn đó nằm trong tâm người, và sự quy định của người nên chúng ta không biết.

Chúng ta chỉ có thể biết tâm mình, biết giới hạn mình đặt ra cho người, nhưng thật sự chính chúng ta cũng chưa biết lúc nào mà người đối diện nói câu gì đó khiến thân tình đổ vỡ.

Chỉ vì điều đó vô hình, nó thuộc bóng dáng mà mắt chúng ta không nhìn ra được. Dù điều đó nằm trong tâm chính mình. Bạn có lạ vì sao không. Lỡ lời, nghĩa là không định nói, nhưng thói quen hay nói đi trước sự tỉnh giác, nên nói buông ra một lời nói gây thương tổn cho nhau.

Người càng thân thì càng dễ có phút bất ngờ này, vì chúng ta thường ỷ y vào tình thân, và nghĩ rằng không có gì xảy ra! Nhưng cuối cùng thì có xảy ra.

Đôi lúc có những việc đơn giản, nhưng khi nghĩ đến không biết nên xoay sở thế nào!

Nếu bạn đang ở trong cảm giác bị thương tổn, tìm cách cho vết đau dịu lại cũng mất đôi chút thời gian. Nếu bạn là người gây ra sự thương tổn cho người trước mặt, thì ngoài lời xin lỗi, thì chúng ta còn làm gì được?

Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Vết rạn

Một chuyện không theo ý, bạn cho qua được, hai chuyện rồi ba chuyện không theo ý.
Người ta gọi là giọt nước làm tràn ly. Bây giờ bạn không dừng được nữa. À không! Chúng ta không dừng được nữa.

Bao nhiêu công sức hòa hoãn, sụp đổ trong tích tắc. Sự quý mến của những người chung quanh, một thoáng bị lay động, như chấn động của một cơn động đất nhẹ. 

Mọi thứ sau đó có thể bình thường, nhưng sự rạn nứt trong lòng đất đã có, sự rạn nứt về niềm quý mến trong tâm đã có.

Nếu chúng ta là một người đang có giao động như thế trong tâm, bạn hàn gắn hay thế nào? Có cách nào xóa vết rạn nứt ngầm đó chăng?


Thứ Sáu, 20 tháng 9, 2013

Ai đáng tội hơn

Thật là bực bội khi gặp những người trước mặt mình nói sao mà vui vẻ thế, nhưng vừa quay lưng đã nghe chính họ bình phẩm những lời về mình thật khó nghe.

Chuyện này thì ai cũng bực mà. Nhưng cũng đáng giật mình khi chính mình ở xa xa nghe những lời càm ràm về mình. Bạn hỏi giật mình là sao, à là điều đó nhắc hình như chính mình cũng làm như thế đối với người khác.

Chúng ta dường như không khác nhau mấy ở điểm này. Sự nhận xét đắng lòng về nhau luôn có, nếu chỉ khởi trong tâm thì hậu quả cũng chưa đáng nói, nhưng chúng ta luôn dại dột nói cho nhiều người nghe nhận xét này.

Kết quả ngoài đương sự kia lãnh chịu, thì chính mình đúng là chẳng ra gì trước. Ban đầu nghĩ rằng đáng tội cho đương sự kia không biết như thế, nhưng hình như người đáng tội hơn là chính mình thì phải.


Ngẫm nghĩ lại mà sợ thật! Không biết có cách nào để khỏi vướng vào điều này chăng.

Chủ Nhật, 8 tháng 9, 2013

Ai vừa ý mình

Chúng ta luôn đặt quá nhiều ước muốn và hy vọng nơi người làm giống ý mình, nghĩ giống ý mình và đồng ý với ý mình.

Còn chính mình có giống ý ai,có vừa ý ai, và có đồng ý với ý người vừa đưa ra không,thì mình lại chưa để ý.

Thất vọng và đau khổ chỉ một khe hở này, chỉ là lằn ranh mỏng manh này.

Có khi nào đang thất vọng bạn nhìn ra điều này không. 

Bởi rõ ràng, không ai có thể hoàn chỉnh theo ý mình được, vì họ luôn đang làm vừa lòng của họ và rất đang mong mình làm đúng ý họ để họ đừng thất vọng! Như mình đang muốn vừa lòng ý của mình vậy.


Mình và người đau khổ, thất vọng về nhau có lẽ chỉ là thế, bạn nhỉ! 


Chủ Nhật, 25 tháng 8, 2013

GÓC KHUẤT CỦA TÂM

Những minh họa về góc khuất của tâm, những tảng đá, tảng băng chìm sâu trong lòng biển bao giờ cũng nhiều hơn phần lộ ra trên mặt nước.

Những gì chúng ta bộc lộ ra cũng thế, thường rất ít, so với suy nghĩ của chính mình. Bạn có để ý, như vậy cũng có nghĩa chúng ta sống với suy tưởng nhiều hơn cảnh trước mắt.


Cuộc sống rõ ràng nằm trên trí tưởng, những nghĩ suy nhiều hơn sự bộc lộ, bạn có để ý rằng, nếu lắng tâm dừng bớt những nghĩ suy mình sẽ thế nào không.

Chủ Nhật, 18 tháng 8, 2013

nghe lại trái tim


Lắng lòng nghe lại trái tim mình!

Thứ Sáu, 16 tháng 8, 2013

Để ý tâm mình

Trầm cảm ở cấp độ nhẹ là cơn bệnh của mọi thời đại, chẳng riêng bây giờ.

Mọi chuyện bước đầu rất đơn giản, sự nhẫn nhịn quá mức sẽ khiến bạn không còn muốn mở lời.

Nghe một lời khăng khăng, khó chấp nhận, biết nói chỉ gây tranh cãi lớn tiếng, e chính mình lúc đó cũng không đủ bình tĩnh trước cơn nóng bắt đầu xuất hiện, thôi thà làm thinh trước cho yên!

Thấy cảnh chướng mắt, biết can thiệp cũng chẳng đến đâu, còn gây thêm thương tổn cho mình và người. Thôi làm thinh coi như không thấy vậy.

Một lần cho đến nhiều lần, đến lúc này thì bất cứ mối tương giao nào cũng đem đến cho bạn nỗi bất an sợ hãi sự nóng nảy của người, sợ những lời nặng nề được thốt ra từ những người bạn chưa bao giờ nghĩ rằng họ có thể nói những lời như thế. Sợ những hành động hung hăng, tưởng chừng chỉ có nơi nào đó. Sợ tất cả những gì mà lúc nào bạn cũng phải làm thinh, phải im lặng để khỏi gây xáo trộn thêm.

Khi để ý thấy mình không còn muốn mở điện thoại, không còn muốn nghe tiếng chuông nơi cửa, không còn muốn có một buổi hẹn tiệc tùng… Bạn nhìn lại kỹ nơi chính mình, để tìm một biện pháp nào đó, khả dĩ giữ bạn gượng lại được trên con dốc này… nếu không bạn sẽ trượt dài và hố thẳm dường như trước mặt.

Bạn có nghĩ rằng, mọi thứ xảy ra cũng chính do từng ý niệm nơi mình không, cái nhìn tích cực trên sự việc lâu nay bạn đã quên lãng.


Bây giờ vẫn còn kịp cho mọi chuyện, bạn có thể giúp bạn trở lại vui tươi yêu đời, yêu đời, mới thương được những con người trong mê mải những gì trước mắt đã gây cho mình thương đau, đã làm  thế giới đau thương hơn.

Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Bên nay - bên kia

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sẽ giải quyết được mọi chuyện với tâm tốt của mình.

Và ai cũng với tâm vì người, cũng hết lòng nhường nhịn nhưng kết quả thì ngược lại. Có lẽ chúng ta đôi lần thắc mắc sao người bên kia cố chấp như thế, mình đã xuống hết nước mà vẫn khư khư không chấp nhận thiện chí của mình.

Nhưng thử để ý một việc nhỏ, khi chúng ta nhường nhịn, nghĩ rằng bên kia sẽ hiểu, nhưng bên kia nghĩ sao? Bên kia cũng nghĩ y hệt như mình. “Đã hết sức nhường nhịn, mà cũng chưa vừa lòng!”… và cứ thế, chiến tranh lạnh leo thang, đến lúc thang hết bậc để leo nữa thì cả hai đều bị tàng hình trong mắt đối phương.

Mọi việc chỉ có thể mở ra, nếu một trong hai, cả hai thì quá quý, hiểu rằng, mình nhường theo ý mình, chứ không phải theo ý bên kia, nên làm sao bên kia chấp nhận được. Và rõ ràng, chúng ta không đủ sức nhường như bên kia mong muốn.

Hiểu được như vậy, mới biết rằng thật ra chúng ta không nhường gì hết! Vấn đề vẫn là chính mình không gỡ được những chấp cứng nơi tâm mình! Có lẽ hiểu chính tâm mình, là điều cần thiết trước khi đi tìm giải pháp.


Còn tâm người bên kia, há chẳng chúng ta luôn than thở rằng “thiệt chẳng biết sao mà hiểu cho được!”. Mà thực ra bên nay hay bên kia gì cũng vậy!

Thứ Bảy, 3 tháng 8, 2013

Như vách đá kia

Buồn bã, nếu không biết nên làm gì trước những chuyện nghe người khác nói về mình. Những chuyện vô lý, chẳng biết từ đâu mà có những nhận định như vậy!

Phân trần, thanh minh chẳng làm gì được. Vì chúng ta chỉ phân trần với người cùng cái nhìn với mình, còn những người cùng đang có nhận định kia, họ đâu nghe!

Tổn thương, tự ái và phiền toái trong tâm đưa đến chán nản môi trường mình đang làm, tập thể mình đang sống, những người đang làm việc chung mà chẳng có chút cảm thông.

Làm gì đây? Bạn hỏi thế.

Có lẽ chúng ta ai cũng từng trải qua cảm giác này, không nhiều thì cũng đôi lần. Có một chuyện vui, một người nói: “Khổ thay! Không ai hiểu tôi, chỉ có một người hiểu tôi, nhưng than ôi người ấy lại hiểu lầm!

Thường thì chúng ta chỉ thấy cách bị đối xử, chứ khó nhận ra cách mình xử sự với người. Khi nghe những lời không hay về mình, đầu tiên, là bình tâm để thấy, chỉ vì mối tương giao giữa mình và người không có, mỗi người đã ở một góc trời, còn xa hơn đại dương dù mỗi ngày đều chạm mặt nhau, nhưng chỉ thấy qua cái bóng của tâm mình.

Chúng ta thường ngán ngẩm những người nói những chuyện không đúng, mà chưa từng ngán ngẩm tâm mình luôn cứ cột những điều đó vào tâm quá chặt, đến nỗi có ai bứt ra dùm cũng không được. Nếu nghĩ cho cùng sẽ thấy sợi dây định kiến của mỗi người quá cứng chắc, đã cột ai rồi, khó mà đổi cái nhìn.

Nhưng may mắn là sợi đây định kiến đó không thật, bởi suy nghĩ sẽ thay đổi, và người làm sợi dây đó tan biến đi, chỉ là chính mình. Chúng ta chỉ thay đổi ngoại cảnh quanh mình, khi chính mình có chút thay đổi.


Tâm chúng ta nhẹ nhàng thì người khó định này định kia, nếu tâm quá cứng ngắt, thì là đầu mối cho những lời nhận định chẳng đâu vào đâu, nhưng có lẽ đúng với tâm cứng ngắt của mình!

Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Biết phải chạy đâu!

Trong cuộc sống đôi lúc chúng ta có cảm tưởng mình đang ở ngõ cụt, không biết sao thoát được.

Thoát được không là việc khác, nhưng trước nhất, là cần an định tâm lại, dù rằng đó là thời điểm khó an định nhất. Chính vậy ngay khi còn thong thả nếu có thói quen dừng bớt những suy nghĩ làm tăng tốc việc đang có, sẽ giúp chúng ta rất nhiều lúc gặp những việc khó xử.

Thường nên để ý sự việc thật, không quá phức tạp như khi chúng ta nghĩ đi nghĩ lại, chính tâm phác họa thêm đó, khiến sự việc dễ đi đến bế tắc gây buồn phiền cho nhau. Vui thì ít khi vui hơn, nhưng hễ buồn thì rõ ràng chìm sâu thêm. Để ý được vậy, những gì đang nặng lòng thì không làm nặng thêm, để vừa sức chịu. Khi vừa sức chịu chúng ta mới đủ bình tâm mà giải quyết.


Cuộc sống đúng là có lúc này lúc kia, có những khúc quanh trong tâm rất là “lịch sử”, nhưng giảm bớt tốc độ, để tâm vừa sức chịu, có lẽ là điều đầu tiên, trước khi có một đáp án hoàn chỉnh hơn.

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Có cách nào đây!

Hằng ngày chúng ta gặp rất nhiều  việc “cần góp ý”, ai cũng cân nhắc đắn đo, bởi biết  sau khi nói, mất đi ít nhiều tình cảm người đang dành cho mình.

Nếu chúng ta là người được góp ý, bạn sẽ thấy trong tâm có sự chống đối, phản kháng. Dù ngấm ngầm nhưng ít nhiều  cũng lộ ra vẻ mặt, dù bạn chỉ mỉm cười! Đó là người biết duy trì cho vui vẻ để người bên cạnh còn “cơ hội” góp ý cho mình. Nếu phản kháng ra mặt, thì biểu lộ sức tương tổn không giữ trong tâm nổi.

Có lẽ chúng ta giống nhau điểm này bạn ạ, cách gì cũng nghe thương tổn, chỉ bởi chúng ta không nghĩ mình “tệ” như vậy. Hoặc giả chúng ta không bằng lòng, hình ảnh mình trước cái nhìn của người là vậy.

Cũng gọi là “điểm nóng” trong ngày bạn nhỉ.
Có một thí dụ thế này. Chẳng hạn chúng ta đã lau dọn phòng rất kỹ, nhìn đâu cũng vừa ý, nhưng nếu có một ánh đèn Pin rọi vào trong góc, thấy còn chút mạng nhện! Nếu chúng ta là người cầm pin, thì đã vội vàng quơ chỗ còn sót lại đó rồi. Nhưng đây là người bên cạnh pin vào.

Dĩ nhiên chúng ta có đủ lý do để bào chữa cho sự sơ sót đó, hoặc sẽ phản ứng. Khi được chỉ nhắc điều gì, phản ứng tương tự vậy! 

Có nhiều việc, tuy đơn giản nhưng luôn ở một góc chúng ta nhìn không đến bạn ạ. Chúng ta bao giờ cũng cần người bên ngoài “sáng suốt” nhìn ra những sơ sót.

Góp ý cách nào để người bên kia vui vẻ. Hình như không có cách nào hết! Chỉ có buồn ít hay nhiều thôi. Muốn biết cách nào, có lẽ quan sát tâm mình khi “được” hay “bị” chỉ lỗi, xem cách gì mình mới chấp nhận. 


Chính vậy, chúng ta luôn hiểu tâm mình trước, xem thử thế nào, mọi chuyện khi qua tâm, chạm đến tâm, mình có thể qua nhanh được. Khi bạn khám phá ra, với chân tình đó, may ra mọi góp ý xây dựng mới thành tựu cho nhau.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Ai cũng biết xử!

Khi xử sự, mình cũng đắn đo suy nghĩ, nên có đôi chút “tự hào” về cách xử sự của mình. Nhưng nếu tình cờ nghe nhận định của ai đó, mới biết cách xử của mình vừa trẻ con, vừa vụng về, vụng tính hay nói gọn là “không biết xử!”

Nghe kể đôi chuyện chúng ta luôn nhìn ra sự tự hào về cách biết xử của người đang kể, bởi trăm lỗi lầm đều ở phía bên kia, và người kể đã phải khéo xử cho yên!

Nhìn ra sự tự hào của người kể bởi điều đó chạm vào sự tự cao của riêng mình. Nếu tâm mình không tự cao, thì sự tự hào kia mình không để ý.

Có những chuyện, tưởng rằng mình không, nhưng khi người “có” chạm vào cái “có” của mình, may ra lúc đó mới nhận ra, lâu nay mình cũng vậy ư!

Có thể nhận ra hơi muộn màng, nhưng muộn còn hơn không! Nhận ra, tự nhiên khi kể âm giọng có nhẹ hơn, và rõ ràng bớt kể về “cái hay” của mình bắt người phải nghe!

Cuộc sống như một tủ nhạc, đủ loại nhạc trên kệ, đôi lúc nhà bên cạnh mở những âm điệu mình không thích cũng đủ khổ! Nhưng mình thì lại cứ mở những gì mình thích lại không biết người bên cạnh chẳng muốn nghe!

Khi nhận cuộc gọi không mong muốn, nhưng vì lịch sự, đành để điện thoại trên bàn cho bên kia nói vào hư vô! Nhìn thấy cảnh đó, bạn có nghĩ sẽ điện thoại cho ai mà kể dài dòng về mình nữa không. Nhưng rồi vẫn kể vẫn nói những điều còn chứa đầy ắp trong tâm!


Hiểu được tâm mình, chúng ta mới không chứa đầy trong tâm những chuyện nặng tâm nặng lòng! Mới mong nhẹ nhàng cho những mối tương giao bên cạnh.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Không thể nhìn mặt!

Bạn nhắn tin bảo rằng đã từ biệt, chỉ vì không thể nhìn mặt nhau, sau khi bị “sốc” vì câu nói của người mà bạn hằng tin tưởng bấy lâu nay!

Trong cuộc sống ắt hẳn ai cũng từng gặp cảnh này. Tránh được thì dễ rồi, nhưng nếu làm chung phòng, chung công tác thì biết tránh nơi nào? Khi mỗi ngày phải bàn bạc công việc!

“Cái mặt” mà bạn đã từng nôn nóng mỗi cuối tuần để gặp, bây giờ thì… Bạn đang buồn than trách móc, nên chắc chưa có thời giờ nhìn lại tâm khi đang trong cơn sóng dữ.

Người ở xa, chia tay cũng dễ, khỏi liên lạc, delete địa chỉ email, xóa số điện thoại trong danh bạ. Nhưng khổ nỗi, bạn chưa xóa người đó ra khỏi tâm, bạn hỏi làm sao bây giờ!

Khoảng cách địa lý có thật, nhưng trong tâm bạn là khoảng cách gì? Ngay lúc này có nói gì cũng vô ích, bạn vùi đầu vào game, vào máy vi tính hoặc tệ hại hơn phóng xe vùn vụt chạy cho khỏi gương mặt trong tâm bạn. Nhưng bạn chạy đến đâu, khoảng cách từ bạn đến tâm bạn vẫn chừng đó. Bạn lên miền tây nguyên, không xong, bạn ra biển Đông, không xong…

May là bạn chưa mượn rượu giải sầu, nếu có bạn cũng thở than: Đất trời nghiêng ngả mà thành sầu chưa sụp đổ em ơi! (thơ Vũ Hoàng Chương)

Trong cơn rối beng chỉ vì bạn tự ái, bạn không chịu nổi sự tổn thương vì một lời nói coi thường bạn!

*
Muốn dịu lại, ngoài thời gian ra, chúng ta cần đôi chút hiểu rõ tâm mình. Vì nếu chỉ trông cậy vào thời gian, thì chúng ta sẽ mãi chịu những xốn xang trong tâm mỗi khi gặp thái độ gạt ngang coi thường, nghe những lời tổn thương dồn dập!


Muốn tự thoát khỏi mà không phải chạy khá xa như thế, có lẽ chỉ khi có thói quen hiểu, những lời hay thái độ của người bắt nguồn từ chính thái độ của mình trước. 

Nếu mình luôn “dễ thương” thì người sẽ xin lỗi mình sau đó, rằng chỉ vì một phút nóng giận mà nói thôi, không cố ý coi nhẹ gì hết! Nhưng nếu mọi sự kéo dài, thì ít nhất cũng vì phản ứng cũng hơi bất giác nơi mình, bạn ạ.


Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Chỉ thiếu chút duyên

Hẹn bạn đến chơi, uống cà phê, nhưng trên đường đến đã có chuyện ghé đâu đó, rồi nể lời ai đó đã uống xong.

Chủ nhân đã cho người chuẩn bị, bị người chuẩn bị cằn nhằn, chủ nhân hoặc ngồi im hoặc cằn nhằn người được mời.

Chuyện rất nhỏ hằng ngày trong đời sống, một chút cằn nhằn, một chút bực bội… nhưng không hề để ý. 

Sự bất giác lúc nào cũng bên cạnh, coi thường những việc không đáng, nên khi nó tích tụ thành chuyện lớn, không còn làm chủ những giao động.

Một chút khởi mà thấy được tâm, thì sức dừng sẽ là thói quen.

Chỉ cần một chút duyên nhỏ chen vào, mọi dự tính sẽ đổ vỡ. Hiểu được từ chuyện nhỏ, mới có thói quen nhìn mọi sự với góc nhìn này. Khi bạn sắp đặt kỹ lưỡng chu đáo, mà mọi sự vẫn thiếu một chút duyên để thành tựu, thì sự thông minh, toan tính chặt chẽ đến đâu cũng tan như mây khói!


Bớt một chút trách móc phiền lụy thì thêm một chút bình an trong tâm. Khi tâm có chút bình an, thì giữa trăm cái cái mất ít ra cũng có một cái được, đó là sự yên ổn của người gần chúng ta.


Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Nội kết

Mọi chuyện dàn xếp không xong nhờ đến người bên ngoài, là chuyện đã bế tắc.

Sau đó?

Có khi yên ổn trở lại, nhưng vết thương thì khó nguôi. Cách chữa trị để lành vết thương đó, chúng ta lại ít để ý. Cứ để vết thương đó khi trở trời (có ai nhắc đến) là nghe đau nhức.

Có khi dàn xếp không xong, bước chia tay gần đâu đó. Thương tổn để lại trong tâm nhau, e đem tới “kiếp sau”.

Cách chữa trị khi sự việc đã rồi, thật khó. Làm sao để đừng tồn đọng trong tâm mà chúng ta thường nghe danh từ “nội kết”!

Tôi cũng bâng khuâng lắm khi bạn hỏi. Chính tôi vẫn thường quán sát những gì đã qua, đã chia tay, nhưng chừng như còn một vết sẹo!

Nhưng nếu một lần, chúng ta có thắc mắc như thế, có nghĩa là chúng ta muốn giải quyết tận gốc rễ, chỉ khi có ý muốn đó, mọi sự mới dần được xem xét kỹ lưỡng -không phải xem xét lỗi người, mà chính xem xét lại sự chấp khư khư của mình!-

Đôi khi nhận ra tại mình cũng cứng ngắt, cũng khư khư ý mình là đúng mà ra nông nổi này, nhưng bảo sửa đổi ý, thì mình lại không sửa được, vì rằng nó đúng với thói quen, với cái nhìn của mình lâu nay!


Vết thương tỉ lệ nghịch với sức quán chiếu. Nên sự thấu đáo càng sâu thì mọi chuyện trong tâm càng nhẹ ra. Chỉ như thế, mới mong “nội kết” dần giải ra.

Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

"Dội ngược"

Trong đời sống ít nhiều gì chúng ta cũng từng bị “dội ngược”.
Em đang ủ dột vì trạng thái bị dội ngược này. Tai sao nhiệt tình đến vậy mà gặp một sự im lặng lạnh lùng đến vậy!

Ngẫm nghĩ vì sao mình luôn bị ‘dội ngược” bởi lời nói hay thái độ của người đối diện, của một tin nhắn, của một cú điện thoại… Có lẽ tại mình không nghĩ rằng người đó có thái độ như vậy với mình!

Có một điều mình quên để ý là, có ai đã từng bị dội ngược vì thái độ thiếu thiện cảm của mình, vì gương mặt lạnh lùng của mình, vì giọng nói cộc lốc của mình, vì thái độ gạt ngang của mình….

Mình chưa từng hỏi thế bạn nhỉ, mình cứ thấy bị dội ngược, rồi đau buồn, thất vọng… nếu mỗi lần tâm tư ở trạng thái nào, mình nhận ra ngay mình đã từng thế với ai đó, ít ra mình cũng chỉnh sửa được đời mình.

Còn sự việc đang xảy ra thì sao? Điều này cần thời gian tập tành lâu hơn, mình sẽ nhận thấy rằng, chỉ trong phút giây nào đó, mình mới gặp trạng thái này, còn bình thường thì vẫn vui vẻ cạnh nhau mà.

Tuy chúng ta nhiệt tình, nhưng “xông vào” giúp đỡ ai đó không đúng lúc, hoặc việc mình làm không đúng ý họ, chỉ đúng ý mình thôi. Và mình nhất định làm theo ý với danh nghĩa giúp cho họ. Gặp phản ứng mình trách móc họ, bởi mình làm cho họ mà kết quả thế này, mai mốt, đừng hòng!...

Tất cả mọi việc gây cho chúng ta thương tổn, một chút bình tâm quán sát lại, sẽ biết mình nên dừng cái bắt người khác phải theo ý mình, bắt người khác phải để mình lo theo ý mình!

Sự “dội ngược” chỉ là mọi sự khác với ý định vẽ vời trong tâm chúng ta mà thôi. Chẳng hạn mình đem tặng bạn một món quà, nhưng gặp phản ứng thờ ơ, mình cũng bị dội ngược. Chúng ta muốn người nhận phải tỏ thái độ chấp nhận!

Bạn để ý sẽ thấy chúng ta đều khăng khăng cho mình là có lý, dù cho chung quanh phản bác! Cho nên người làm mình “dội ngược”, đương sự đó vẫn thấy họ rất có lý, còn mình đúng là “đáng” được đối xử như vậy!


Chỉ quan sát tâm mình, biết chính mình, làm chủ được những cảm xúc, bất bình, vui vẻ… từ từ giảm bớt cường độ, thì mọi việc dễ thở hơn, có buồn chút đỉnh rồi thôi! Tâm tư nhanh an định, mình mới đủ sức mà hăng hái nhiệt tình trong mọi sự bạn ạ. Chỉ mong chính chúng ta đừng mất bình tĩnh mà làm ai dội ngược, thì cũng là điều đáng trân trọng lắm rồi.


Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Nóng ngầm

Có lẽ như cơn sóng ngầm vậy, trên bề mặt chưa gây tác hại gì. Nhưng trong tâm đã là giông bão âm ỉ. 

Chưa phát ra, chứ không hẳn là không phát ra.
Bạn cho rằng, không giận chỉ không muốn nhìn mặt. Thật sự cơn nóng đã chìm thật  sâu, có lẽ ở độ sâu mà ý thức phơn phớt không nhận ra, nên chúng ta nghĩ rằng chúng ta không giận.

Cảm giác này rất khó tả, nhìn kỹ sẽ hiểu, chỉ vì “nhân vật” hoặc sự việc đó đã gây nhiều phiền lụy, thương tổn cho tâm mình, nên mình “sợ” gặp. sợ phải tiếp tục chịu những thái độ hoặc lời nói mà mình không chấp nhận được. Thôi thà tránh mặt còn hơn.  Nếu vì nhiều lý do không thể tránh hẳn, thì cũng tìm cách tránh bằng cách chỉ ở nhà những giờ bên kia không có mặt.

Ở sở làm, ở tập thể… cơn sóng ngầm này tàn phá tâm tư chúng ta rất nhiều. Nó khiến chẳng bao giờ tâm tư an, khi nghĩ đến “nhân vật” hay sự việc đang đối đầu, vẫn nghe trong tâm bùng bùng một cảm thức khó chịu. Đến tên người đó cũng không muốn nghe nhắc tới, vì sao bạn để ý không, vì tên đó là đường dẫn đến kho chứa những chuyện đã qua!

Khi bạn đã từng có lần như thế, thử nhìn xem đâu là đầu mối để gỡ.


Vậy làm sao? Chúng ta từng hỏi thế trăm lần. Bạn có câu trả lời chưa?

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Xem lại cơn nóng

Một trong những "chướng ngại" lớn của chúng ta là sự nóng giận mà thuật ngữ gọi là "sân si", bởi hễ nổi nóng lên tức là sân  thì không còn tỉnh táo tức là si, sẽ thốt lên những lời, khiến người bên cạnh rất "sốc" vì không ngờ một người như vậy có thể thốt những lời như vậy. Hoặc hành động đóng cửa cái rầm, liệng sách vở lên bàn... Những phản ứng tuy không gây "thương tích" cho nhau, nhưng gây "thương tổn" cho nhau.

Có một lần mình đi ra khỏi phòng, lớn tiếng. Tự nhiên nhìn thấy hình như cơn nóng giận có sẵn đâu đó trong người, chỉ cần ai đó chạm nhầm, là nó bùng lên (tùy cá tính riêng mà cách bộc phát có khác nhau, người đó mặt, người tái mặt).

Về ngồi yên nghĩ lại hình như vấn đề là đây. Sau đó Khi nghe nổi nóng, mình rời đối tượng làm mình nóng, chỉ để ý sự nóng đang bốc lên. Lạ thật, biết cơn nóng đang lên, nó dừng lại và nguội dần. Bao nhiêu đó đã đủ mừng rồi.

Thêm vài năm nữa, mới hiểu thêm, đơn giản nhất là ước muốn của mình không được như ý, mà ra thế.
Mình có mong muốn điều gì cho lắm, chỉ "mong muốn" được người mình nhắc hay dặn việc gì đó "nghe lời" mình, nên chỉ cần thấy một phản ứng nơi người là mình đã nghe nổi bực.

Nhìn được tới đây, buồn cười cho mình. Cái gút đơn giản vậy mà biết bao lâu bị chi phối, nói gì đến tham tài (tiền bạc) sắc (tạm gọi những gì mình muốn quơ về mình), danh (có danh tiếng, chức vị...), thực (ăn uống cho vừa khẩu vị...), thùy (ngủ nghỉ cho thẳng giấc...) làm sao thoát cho khỏi.

Khi nhận rõ vấn đề trong tâm, mình có thể nhìn kịp tâm khi tâm bị va chạm. Sẽ nhanh tỉnh. Bạn có để ý như thế không.

Vì đây là một việc mà đến giờ (hay đến già) nếu không để ý thì lúc nào cũng có thể tự làm khổ mình vì cơn nổi nóng. Mình đã khổ thì người sống cạnh cũng không yên các bạn nhỉ.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Làm sao nhìn ra

“Làm sao nhìn cho ra mình thường dễ nổi nóng khi ý kiến của mình không được người khác đồng ý”.

Có lẽ em đang buồn nên mới hỏi câu này.

Không va chạm ý kiến với nhau trong công việc thì ai cũng vui vẻ, nhưng khi có những việc cần làm chung mới thấy tính nóng nảy xuất hiện.

Làm một mình theo ý mình thì có gì nói, nhưng sống trong đời đâu có thể sống một mình với ý kiến của mình.

Bao nhiêu lời khuyên nhắc, bao nhiêu sách vở chỉ đường. Cuối cùng đương sự vẫn không biết thế nào với những ngọn hỏa diệm sơn đang thời kỳ hoạt động.

Hèn chi người ta hay nói học hành, tu hành là vậy.
Nếu học biết rõ mà không thực hành thì cái biết vẫn chưa giúp gì cho mình! Huống nữa với tâm tu (sửa) mà không thực hành thì đâu cứ vào đó! 

Làm sao nhìn cho ra cơn nóng của mình, vì lúc đó mình chỉ thấy đối tượng làm mình nổi nóng, còn mình thì…

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Sống không hụt hẫng

Nhận được thư bạn nói:
Nhưng làm sao mà mình sống không hụt hẫng?  Và thường có niềm vui?  Câu hỏi xưa như trái đất mà lòng vẫn cứ nặng!

Thường thì chúng ta chỉ thấy người làm chúng ta hụt hẫng mà không thấy chỗ mình làm người hụt hẫng. Khi chưa sống gần nhau, mong có dịp tao ngộ, đến lúc làm chung công việc mới thấy “hụt hẫng”. Sự “thất vọng” càng lúc càng gia tăng, chắc là thêm chữ ‘về nhau’ thì chính xác hơn: sự thất vọng về nhau càng lúc càng gia tăng… đến nỗi sau này chỉ nghe đến tên cũng đủ giật mình!


Làm thế nào đây, có cái nhìn nào giúp tâm mình đi qua khúc đường khó khăn này không?

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

khi bực vì người

Chuyện này cũng làm tôi giật mình hôm qua nay, sơ suất một chút, là mình chỉ thấy người thấy này thế kia mà quên nhờ tấm gương trước mắt để soi lại mình. 

Hôm nay nhắc chuyện ngày trước có lần cả nhóm đi dạy một lớp học các em lớp ba, phát kẹo để các em chịu học, nhưng có một em lên nhận tới hơn ba lần, tôi nổi bực. Khà, lòng tốt đi mất, chỉ còn sự bực về "tính tham".
Nhắc lại mới nhận ra, mình thì cứ bực khi thấy tính tham nơi người khác, mà quên rằng người khác thấy tính tham nơi mình thì sao nhỉ.

Nếu thường 'biết' những sinh khởi của tâm, bạn nghĩ chúng ta có thể thường biết tâm như thế chăng, để thay vì quá bực người, chúng ta có thể hiểu mình rõ thêm!

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Từ cơn mưa giông

Chúng ta có thể trao đổi một điều gì đó với nhau, có lẽ cũng được bạn nhỉ.

Buổi chiều mưa giông, ngày cuối tuần, dự tính đi đâu đó phải tạm ngưng. 


Đời sống sẽ vô số bất chợt như thế do "thiên tai" hay "nhân tai", và chúng ta không làm gì khác hơn được. Chính thế khó mà nghĩ mọi chuyện đều do mình.


Vậy chúng ta sẽ quán sát thế nào, để mọi chuyện nhẹ nhàng hơn trước những sự việc bất ngờ như thế. Hãy thí dụ từ cơn mưa giông làm hoãn chuyến đi.

cách post trao đổi

Các bạn thân mến,
Hôm nay Blog nói về cách post những dòng trao đổi của bạn lên trang. 

Vì Blogspot thuộc gmail, nên nếu địa chỉ bạn là gmail thì không có vấn đề gì.

Nhưng nếu là yahoo hay một địa chỉ khác, bạn không cần thiết lập một Blogspot. Bạn để ý những dòng sổ xuống nơi bảng “nhận xét với tên”, bạn sẽ chọn dòng Tên/URL. Sẽ đưa ra bảng chỉnh sửa hồ sơ.

 Dòng URL là khi bạn vào hộp thư của bạn, dòng URL của bạn sẽ hiện ở dòng địa chỉ.


Bạn nhập tên và dòng đó vào, rồi click vào tiếp tục.

Sau đó click vào xuất bản

Mong nhận được những dòng trao đổi của các bạn để chúng ta cùng có nhiều góc nhìn.