Thứ Bảy, 21 tháng 12, 2013

Các bạn thân mến,



Trang trao đổi, chỉ muốn đề cập đến những gì khi còn trong suy nghĩ, nếu kịp biết có thể tránh những điều không hay đưa đến cho chính mình. Bởi khi đã phát ra hành động thì không bàn đến nữa.

Tất cả những buồn khổ trong tâm, do tâm vọng động tiếp nối, và trang chỉ nói đến điều này. Nếu giúp được nhau giảm những phiền muộn đang nặng trong tâm, thì thật hân hạnh.

Đơn giản vậy thôi.

Nếu các bạn thấy không thích hợp với sự trao đổi này, thì xin bạn đừng bận tâm đến trang trao đổi này nữa.

Ngoài ra trang không có một ý dẫn dắt gì ai, cũng không có ý bắt ai phải theo những cách đang đề cập đến.


Trân trọng.

Thứ Bảy, 14 tháng 12, 2013

Có thể chăng?

Chúng ta thường nói "Rồi sẽ qua", khi đang đối mặt với những gì đang làm choáng tâm.
"Rồi sẽ qua". Vâng rồi sẽ qua.

Nhưng sự việc tái lập lại dưới một hình thức khác, với một lời nói khác, cũng gây thương tổn trong tâm chúng ta, như chuyện "rồi cũng qua" những lần trước.

Nhận biết những giao động của tâm để biết tâm có thể dừng khi sóng còn đang mạnh, sóng trên biển mạnh bởi cơn gió thổi liên tục, khi tâm suy nghĩ liên tục về việc đang thương tích, có lẽ cũng tương tự.

Bước đầu chỉ là hiểu thế, mọi sự có thể làm được là ngay lúc bạn đang chao đảo, mới thấy được sự diệu kỳ của dừng bớt lại những suy nghĩ mà chính chúng ta đang nuôi lớn bởi cứ mãi tô đậm thêm vết thương đang có.

Vết đau đang thật, đang có, không thể nói là không! Khi đã lỡ chấp nhận để vào trong tâm, rồi giữ chặt nó, và nuôi nó lớn. Nhưng nếu chúng ta chờ tiến trình thành-trụ-hoại-không thì hết nỗi đau này sẽ chịu nỗi đau khác.

Giải thoát tâm bớt những phiền muộn do đời sống biến động, những áp lực công việc, những va chạm trong tình người... mà không phải là chạy trốn.

Bạn có đang nghĩ rằng có thể chăng?


Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Ít khi thấu hiểu

Bạn có để ý chúng ta thường có điều này trong tâm không?
Bạn có thể tự chê mình thế này thế kia, nhưng người khác không thể chê bạn dù một điểm nhỏ.
Chúng ta có thể khen một ai đó, nhưng nếu họ tự khen họ chúng ta sẽ không bằng lòng.

Để ý thêm về chính tâm chúng ta một chút, sẽ thấy, chúng ta có thể chọn một chỗ ngồi không tốt trên chuyến xe, chúng ta có thể hy sinh những gì thay vì mình có, cho người khác. Nhưng nếu bước lên xe bị sắp vào chỗ không tốt, trong tâm sẽ khởi không vui, khi bị bỏ quên chúng ta cũng không chịu được…

Khi nhận ra kịp những khởi nghĩ hay cảm xúc đó trong tâm, đó là sức tỉnh giác về chính mình. Bạn có thắc mắc vì sao tâm chúng ta thường như thế không? Nếu có, sự thắc mắc này sẽ thành sức phản chiếu những gì tâm khởi, dần hiểu ra những cái còn ẩn khuất trong tâm mà chúng ta ít khi kịp thấu hiểu chính tâm mình.

Khác biệt giữa sự thông minh hiểu ra và sức nhận biết là, dù thông minh hiểu mọi việc tới đâu cũng vẫn buồn khổ, nhưng sức nhận biết sẽ giúp tâm nhanh lắng yên.

Sẽ phải mất bao lâu để có được sự bén nhạy với tâm khởi?

Câu trả lời chỉ do chính chúng ta. 

Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Chỉ trên sự hiểu

Những gì chúng ta hiểu, chưa phải là xong, đến khi gặp việc, nếu cái hiểu kia chẳng dùng được, thì rốt cuộc kể như chưa hiểu vậy!

Có những từ rất đơn giản, như "nhân quả". 
Lý này đơn giản dễ hiểu, hễ gieo nhân thì có quả, nhưng sự hiểu này chỉ để an ủi người. Còn chính mình, khi gặp việc thì loay hoay chờ người khác đem lý nhân quả ra an ủi.

Hằng ngày cuộc sống đều gởi đến chúng ta nhiều bài trắc nghiệm. Nếu cứ mãi trách móc cách đối xử của ai đó, là biết rằng mình chưa hiểu gì về nhân quả. Sự hiểu chỉ trên trí thông mình, nên khi gặp việc không thể biết rằng, không phải khi không mà sự việc như thế.

Chỉ lắng tâm nhìn tâm trách móc của mình dành cho người là biết chính mình chưa ứng dụng vào đâu được những hiểu biết. Sự thông minh giỏi giang chưa giúp tâm bình ổn trước đôi việc đơn giản.

Khi sự hiểu thành ứng dụng thấm sâu, sẽ giúp mình nhanh chóng bình tâm, vì biết rằng mình đã thế nào, mới gặp việc thế này! Tâm thanh thản nhanh hơn.

Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Một chữ buông!

Chúng ta thường thấy có những thư pháp viết một chữ BUÔNG.

Nhưng thật nghĩa cảm nhận về một chữ này rất khó. Vì chúng ta nói buông, nhưng thực chất thì chỉ cất đâu đó trong một góc tâm. Điều này dễ nhận ra khi có việc gì chạm đến điều chúng ta đã nghĩ là đã "buông", mới thấy điều đó vẫn y nguyên như vậy, phản ứng trong tâm cũng chưa thay đổi gì mấy, dù bảo đã buông, đã qua, đã quên...

Cho nên khi nhắc với chính mình là "buông đi" có nghĩa là việc  đó chưa thể cho qua được. Thực sự vẫn chưa cảm nhận được buông là thế nào. 

Sự đơn giản nhất với chúng ta BUÔNG chỉ là không nghĩ đến! Chỉ cần dừng suy nghĩ về một việc gì đó, gọi là buông. Khi có được thói quen (sự huân tập) về bớt nghĩ đến việc chúng ta đang đau khổ, bớt nghĩ đến, bớt vẽ thêm ảo tưởng cũng là một quá trình tu học lâu dài. Không thể chỉ hiểu mà có thể làm được ngay.

Bắt kịp những vọng động của tâm, chúng ta mới có thể dừng bớt suy nghĩ, bớt ảo tưởng... Bước đầu phải là giảm bớt tốc độ của liên tưởng, của tưởng tượng. Nếu dừng đột ngột ngay, như một chiếc xe thắng quá gấp khi đang chạy với tốc độ quá nhanh, thì trừ khi tài xế đại tài mới không gây ra sự nguy hiểm cho chính mình, và những người đang đi cạnh.