Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Biết phải chạy đâu!

Trong cuộc sống đôi lúc chúng ta có cảm tưởng mình đang ở ngõ cụt, không biết sao thoát được.

Thoát được không là việc khác, nhưng trước nhất, là cần an định tâm lại, dù rằng đó là thời điểm khó an định nhất. Chính vậy ngay khi còn thong thả nếu có thói quen dừng bớt những suy nghĩ làm tăng tốc việc đang có, sẽ giúp chúng ta rất nhiều lúc gặp những việc khó xử.

Thường nên để ý sự việc thật, không quá phức tạp như khi chúng ta nghĩ đi nghĩ lại, chính tâm phác họa thêm đó, khiến sự việc dễ đi đến bế tắc gây buồn phiền cho nhau. Vui thì ít khi vui hơn, nhưng hễ buồn thì rõ ràng chìm sâu thêm. Để ý được vậy, những gì đang nặng lòng thì không làm nặng thêm, để vừa sức chịu. Khi vừa sức chịu chúng ta mới đủ bình tâm mà giải quyết.


Cuộc sống đúng là có lúc này lúc kia, có những khúc quanh trong tâm rất là “lịch sử”, nhưng giảm bớt tốc độ, để tâm vừa sức chịu, có lẽ là điều đầu tiên, trước khi có một đáp án hoàn chỉnh hơn.

Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Có cách nào đây!

Hằng ngày chúng ta gặp rất nhiều  việc “cần góp ý”, ai cũng cân nhắc đắn đo, bởi biết  sau khi nói, mất đi ít nhiều tình cảm người đang dành cho mình.

Nếu chúng ta là người được góp ý, bạn sẽ thấy trong tâm có sự chống đối, phản kháng. Dù ngấm ngầm nhưng ít nhiều  cũng lộ ra vẻ mặt, dù bạn chỉ mỉm cười! Đó là người biết duy trì cho vui vẻ để người bên cạnh còn “cơ hội” góp ý cho mình. Nếu phản kháng ra mặt, thì biểu lộ sức tương tổn không giữ trong tâm nổi.

Có lẽ chúng ta giống nhau điểm này bạn ạ, cách gì cũng nghe thương tổn, chỉ bởi chúng ta không nghĩ mình “tệ” như vậy. Hoặc giả chúng ta không bằng lòng, hình ảnh mình trước cái nhìn của người là vậy.

Cũng gọi là “điểm nóng” trong ngày bạn nhỉ.
Có một thí dụ thế này. Chẳng hạn chúng ta đã lau dọn phòng rất kỹ, nhìn đâu cũng vừa ý, nhưng nếu có một ánh đèn Pin rọi vào trong góc, thấy còn chút mạng nhện! Nếu chúng ta là người cầm pin, thì đã vội vàng quơ chỗ còn sót lại đó rồi. Nhưng đây là người bên cạnh pin vào.

Dĩ nhiên chúng ta có đủ lý do để bào chữa cho sự sơ sót đó, hoặc sẽ phản ứng. Khi được chỉ nhắc điều gì, phản ứng tương tự vậy! 

Có nhiều việc, tuy đơn giản nhưng luôn ở một góc chúng ta nhìn không đến bạn ạ. Chúng ta bao giờ cũng cần người bên ngoài “sáng suốt” nhìn ra những sơ sót.

Góp ý cách nào để người bên kia vui vẻ. Hình như không có cách nào hết! Chỉ có buồn ít hay nhiều thôi. Muốn biết cách nào, có lẽ quan sát tâm mình khi “được” hay “bị” chỉ lỗi, xem cách gì mình mới chấp nhận. 


Chính vậy, chúng ta luôn hiểu tâm mình trước, xem thử thế nào, mọi chuyện khi qua tâm, chạm đến tâm, mình có thể qua nhanh được. Khi bạn khám phá ra, với chân tình đó, may ra mọi góp ý xây dựng mới thành tựu cho nhau.

Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Ai cũng biết xử!

Khi xử sự, mình cũng đắn đo suy nghĩ, nên có đôi chút “tự hào” về cách xử sự của mình. Nhưng nếu tình cờ nghe nhận định của ai đó, mới biết cách xử của mình vừa trẻ con, vừa vụng về, vụng tính hay nói gọn là “không biết xử!”

Nghe kể đôi chuyện chúng ta luôn nhìn ra sự tự hào về cách biết xử của người đang kể, bởi trăm lỗi lầm đều ở phía bên kia, và người kể đã phải khéo xử cho yên!

Nhìn ra sự tự hào của người kể bởi điều đó chạm vào sự tự cao của riêng mình. Nếu tâm mình không tự cao, thì sự tự hào kia mình không để ý.

Có những chuyện, tưởng rằng mình không, nhưng khi người “có” chạm vào cái “có” của mình, may ra lúc đó mới nhận ra, lâu nay mình cũng vậy ư!

Có thể nhận ra hơi muộn màng, nhưng muộn còn hơn không! Nhận ra, tự nhiên khi kể âm giọng có nhẹ hơn, và rõ ràng bớt kể về “cái hay” của mình bắt người phải nghe!

Cuộc sống như một tủ nhạc, đủ loại nhạc trên kệ, đôi lúc nhà bên cạnh mở những âm điệu mình không thích cũng đủ khổ! Nhưng mình thì lại cứ mở những gì mình thích lại không biết người bên cạnh chẳng muốn nghe!

Khi nhận cuộc gọi không mong muốn, nhưng vì lịch sự, đành để điện thoại trên bàn cho bên kia nói vào hư vô! Nhìn thấy cảnh đó, bạn có nghĩ sẽ điện thoại cho ai mà kể dài dòng về mình nữa không. Nhưng rồi vẫn kể vẫn nói những điều còn chứa đầy ắp trong tâm!


Hiểu được tâm mình, chúng ta mới không chứa đầy trong tâm những chuyện nặng tâm nặng lòng! Mới mong nhẹ nhàng cho những mối tương giao bên cạnh.

Thứ Sáu, 12 tháng 7, 2013

Không thể nhìn mặt!

Bạn nhắn tin bảo rằng đã từ biệt, chỉ vì không thể nhìn mặt nhau, sau khi bị “sốc” vì câu nói của người mà bạn hằng tin tưởng bấy lâu nay!

Trong cuộc sống ắt hẳn ai cũng từng gặp cảnh này. Tránh được thì dễ rồi, nhưng nếu làm chung phòng, chung công tác thì biết tránh nơi nào? Khi mỗi ngày phải bàn bạc công việc!

“Cái mặt” mà bạn đã từng nôn nóng mỗi cuối tuần để gặp, bây giờ thì… Bạn đang buồn than trách móc, nên chắc chưa có thời giờ nhìn lại tâm khi đang trong cơn sóng dữ.

Người ở xa, chia tay cũng dễ, khỏi liên lạc, delete địa chỉ email, xóa số điện thoại trong danh bạ. Nhưng khổ nỗi, bạn chưa xóa người đó ra khỏi tâm, bạn hỏi làm sao bây giờ!

Khoảng cách địa lý có thật, nhưng trong tâm bạn là khoảng cách gì? Ngay lúc này có nói gì cũng vô ích, bạn vùi đầu vào game, vào máy vi tính hoặc tệ hại hơn phóng xe vùn vụt chạy cho khỏi gương mặt trong tâm bạn. Nhưng bạn chạy đến đâu, khoảng cách từ bạn đến tâm bạn vẫn chừng đó. Bạn lên miền tây nguyên, không xong, bạn ra biển Đông, không xong…

May là bạn chưa mượn rượu giải sầu, nếu có bạn cũng thở than: Đất trời nghiêng ngả mà thành sầu chưa sụp đổ em ơi! (thơ Vũ Hoàng Chương)

Trong cơn rối beng chỉ vì bạn tự ái, bạn không chịu nổi sự tổn thương vì một lời nói coi thường bạn!

*
Muốn dịu lại, ngoài thời gian ra, chúng ta cần đôi chút hiểu rõ tâm mình. Vì nếu chỉ trông cậy vào thời gian, thì chúng ta sẽ mãi chịu những xốn xang trong tâm mỗi khi gặp thái độ gạt ngang coi thường, nghe những lời tổn thương dồn dập!


Muốn tự thoát khỏi mà không phải chạy khá xa như thế, có lẽ chỉ khi có thói quen hiểu, những lời hay thái độ của người bắt nguồn từ chính thái độ của mình trước. 

Nếu mình luôn “dễ thương” thì người sẽ xin lỗi mình sau đó, rằng chỉ vì một phút nóng giận mà nói thôi, không cố ý coi nhẹ gì hết! Nhưng nếu mọi sự kéo dài, thì ít nhất cũng vì phản ứng cũng hơi bất giác nơi mình, bạn ạ.


Thứ Ba, 9 tháng 7, 2013

Chỉ thiếu chút duyên

Hẹn bạn đến chơi, uống cà phê, nhưng trên đường đến đã có chuyện ghé đâu đó, rồi nể lời ai đó đã uống xong.

Chủ nhân đã cho người chuẩn bị, bị người chuẩn bị cằn nhằn, chủ nhân hoặc ngồi im hoặc cằn nhằn người được mời.

Chuyện rất nhỏ hằng ngày trong đời sống, một chút cằn nhằn, một chút bực bội… nhưng không hề để ý. 

Sự bất giác lúc nào cũng bên cạnh, coi thường những việc không đáng, nên khi nó tích tụ thành chuyện lớn, không còn làm chủ những giao động.

Một chút khởi mà thấy được tâm, thì sức dừng sẽ là thói quen.

Chỉ cần một chút duyên nhỏ chen vào, mọi dự tính sẽ đổ vỡ. Hiểu được từ chuyện nhỏ, mới có thói quen nhìn mọi sự với góc nhìn này. Khi bạn sắp đặt kỹ lưỡng chu đáo, mà mọi sự vẫn thiếu một chút duyên để thành tựu, thì sự thông minh, toan tính chặt chẽ đến đâu cũng tan như mây khói!


Bớt một chút trách móc phiền lụy thì thêm một chút bình an trong tâm. Khi tâm có chút bình an, thì giữa trăm cái cái mất ít ra cũng có một cái được, đó là sự yên ổn của người gần chúng ta.


Thứ Năm, 4 tháng 7, 2013

Nội kết

Mọi chuyện dàn xếp không xong nhờ đến người bên ngoài, là chuyện đã bế tắc.

Sau đó?

Có khi yên ổn trở lại, nhưng vết thương thì khó nguôi. Cách chữa trị để lành vết thương đó, chúng ta lại ít để ý. Cứ để vết thương đó khi trở trời (có ai nhắc đến) là nghe đau nhức.

Có khi dàn xếp không xong, bước chia tay gần đâu đó. Thương tổn để lại trong tâm nhau, e đem tới “kiếp sau”.

Cách chữa trị khi sự việc đã rồi, thật khó. Làm sao để đừng tồn đọng trong tâm mà chúng ta thường nghe danh từ “nội kết”!

Tôi cũng bâng khuâng lắm khi bạn hỏi. Chính tôi vẫn thường quán sát những gì đã qua, đã chia tay, nhưng chừng như còn một vết sẹo!

Nhưng nếu một lần, chúng ta có thắc mắc như thế, có nghĩa là chúng ta muốn giải quyết tận gốc rễ, chỉ khi có ý muốn đó, mọi sự mới dần được xem xét kỹ lưỡng -không phải xem xét lỗi người, mà chính xem xét lại sự chấp khư khư của mình!-

Đôi khi nhận ra tại mình cũng cứng ngắt, cũng khư khư ý mình là đúng mà ra nông nổi này, nhưng bảo sửa đổi ý, thì mình lại không sửa được, vì rằng nó đúng với thói quen, với cái nhìn của mình lâu nay!


Vết thương tỉ lệ nghịch với sức quán chiếu. Nên sự thấu đáo càng sâu thì mọi chuyện trong tâm càng nhẹ ra. Chỉ như thế, mới mong “nội kết” dần giải ra.