Thứ Hai, 8 tháng 12, 2014

Làm gì khó nhất

Đồi trà Cầu Đất độ cao 1600

Nhìn những hàng trà xanh dưới nắng, vất vả để có một tách trà ngon! Đang bàn về trà, vấn đề đột nhiên xoay chiều khi một người hỏi: Làm gì khó nhất nhỉ.

Câu hỏi thật đơn giản, "làm gì khó nhất" nhưng khó trả lời. 

Thứ Tư, 5 tháng 11, 2014

Lắc đầu !


À, hôm qua đọc một câu "Có người khi nhắc đến tên, mọi người làm thinh, cũng có người lắc đầu..."

Bạn hỏi làm sao biết khi nhắc tên mình, người khác lắc đầu hoặc làm thinh! Biết để mà sửa.

Thật khó mà biết, bởi trước mặt nhau đều vui vẻ, sao có thể biết được, khi không có mặt mình mọi người đều lắc đầu khi ai đó nhắc đến tên.

câu hỏi cũng khá thú vị. Bạn có cách nào để biết chăng?

Thứ Ba, 16 tháng 9, 2014

Đồng minh


Theo định nghĩa, đồng minh là “đứng về một phía để phối hợp hành động vì mục đích chung”.

Nên chi khi bực bội ai đó, chọn “đồng minh” để kể. Vì muốn xác định rằng người mình đang bực rất là đáng để bực.

Hình như khi không đồng ý ai đó, thì muốn cả thế giới đều không chấp nhận người đó.

Nếu không nhận ra rằng đồng minh tăng theo cấp số cộng thì tâm giận tức tăng theo cấp số nhân. Thì mỗi lần giận tức đều rơi vào con đường này.

Hóa ra tự mình làm tâm mình rối ren thêm, trong khi lúc nào cũng tha thiết muốn tâm bình yên.


Chẳng lẽ nào chúng ta lại như thế mà không biết, bạn nhỉ!

Thứ Năm, 4 tháng 9, 2014

Thói quen bao giờ!

Trong cuộc sống thật khó mà nhận ra lỗi mình, nên ngạn ngữ có nói, thấy cọng rơm trong mắt người mà không thấy cây xà trong mắt mình!

Nếu nhận ra thì ai cũng sẵn sàng xin lỗi và nhận lỗi, nhưng cái khó là không nhận ra lỗi mình ở chỗ nào! Lạ một điều là nơi chính mình mà sao mình không biết! Chẳng lẽ thói quen nhìn ra đã là muôn đời sao.

Việc xảy ra rõ ràng vì người làm mình giận, vì người mà mình khổ, vì người mà...

Người ta hay nói "cho rất nhiều nhưng nhận chẳng bao nhiêu", chỉ vì thấy chỗ mình cho mà không thấy chỗ mình nhận. 

Bâng khuâng nhỉ, trước những gì đang xảy ra, mà chính mình không biết vì sao đến nông nỗi này!


Thứ Hai, 25 tháng 8, 2014

Mình có tham chăng?


Đôi lúc chúng ta không nghĩ mình tham lam bạn nhỉ. Nhưng làm ít nhưng muốn kết quả nhiều, đơn giản như việc tập thể dục buổi sáng, thì lại là chuyện chúng ta thường trải qua. Nếu đều đặn chuyên nhất sẽ có kết quả, đúng là lúc đầu có hăng hái, dần dần tập cho lấy có, nhưng luôn mong kết quả được như ý.

Rất vi tế nhỏ nhiệm nên chúng ta thường không để ý, và rồi mọi việc đều như thế. Học hành đỗ đạt cần nhiều chuyên cần, nhưng giá như học vừa chừng mà vẫn qua được mọi kỳ thi thì đó lại là mong ước.

Chỉ khi nào tình cờ nhận ra điều này, mới không dè mình lại luôn tham lam quá độ à.


Mọi thứ đều bắt đầu từ một ngọn lửa nhỏ. Thiêu hủy hay xây dựng, có lẽ từ những gì rất nhỏ nhiệm mà đôi khi chúng ta chẳng để ý chăng?

Thứ Hai, 7 tháng 7, 2014

Khi không muốn nghe


Dự một buổi nói chuyện, tham gia một buổi thảo luận. Nếu nghe phải những lời của một ai đó mình không muốn  nghe. Lúc đó chúng ta làm thế nào, đây là câu hỏi luôn được hỏi.

Khi đi học phải nghe những buổi giảng không muốn nghe. Thường thì do người đang nói, chúng ta không chấp nhận người đó trong thâm tâm. 
Có thể vì đã từng xung đột, có thể vì cách nói trái quan điểm chúng ta, có thể vì họ nói hay nhưng đời thường sống chúng ta không cảm phục... Rất nhiều lý do để phải chịu đựng suốt thời gian nhân vật đó phát biểu, đôi khi chỉ mươi phút thôi, nhưng cảm giác chịu đựng rất khó chịu.

Bạn thường làm gì với tâm mình nhỉ, chứ với người đó mình làm gì bây giờ. Có lẽ chỉ làm được với tâm mình thôi. Nhưng làm sao!

Thứ Hai, 30 tháng 6, 2014

Nỗi buồn còn đó


Đôi lúc trong cuộc sống, có những điều xem ra đã hiểu, và đã làm giảm cơn phiền muộn, nhưng nỗi buồn dường như vẫn còn đâu đó.

Nỗi buồn dường như rất nhẹ, nên bạn có thể cười, nói giao tiếp bình thường với người đem đến nỗi buồn cho bạn.

Bạn có để ý vì sao nỗi buồn còn đó không? Là vì tình thân trong tâm bạn vẫn còn.

Và có lẽ chúng ta vẫn còn muốn tìm cách cho tâm lắng yên thật sự.

Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Kể công


Thường nghĩ rằng mình đang giúp ai đó, ý nghĩ đó khiến việc tốt chưa tự nhiên.

Việc tốt việc lành tự nhiên hoa nở nước chảy, có lẽ nước không biết mình đang trôi chảy, hoa không biết mình đang nở, chỉ thuận theo thời tiết nhân duyên mà thôi. Việc tốt của chúng ta có lẽ như thế, thì tâm ta và tâm người mới nhẹ như mây nổi. Chẳng gì bận tâm.


Vì tâm kể công của mình quá nhiều, quá nặng khiến mối tương giao dường như là sự trao đổi mà chính mình không biết. Nên khi đối tốt với ai, mà họ không tốt lại như mình nghĩ thì mọi điều không hay bắt đầu phát xuất. Phê phán nhau, chỉ trích nhau…

Chủ Nhật, 1 tháng 6, 2014

Hai người giận nhau

Hai người đang giận nhau, đang bực nhau và đang nói kể những lời khó nghe về nhau.

Ai cũng đúng, nên đang hết sức chứng tỏ cho thấy bên kia có lỗi, có lỗi và có lỗi.

Nếu là phiên tòa có lẽ chánh án phải gõ búa mấy lần để giữ trật tự trong tâm mỗi người. Bởi vì trong tâm cả hai đã mất quân bình, đã rối loạn.

Không ai nhìn ra tâm mình đang sôi sục, đang bảo vệ cái đúng của mình. Đâu cần luật sư biện hộ, mỗi người đã là một luật sư đại tài rồi.

Bạn hỏi, vậy cuối cùng xử thế nào. Còn thế nào ngoài sự chấp nhận cả hai cùng đúng, và bảo mỗi người về nhìn kỹ lại tâm mình.
Sự việc vẫn thế chỉ có tâm mình khăng khăng nên không làm chủ được tâm, và để cho những cơn nóng giận làm chủ đời mình. 

Thì dù có đúng trăm phần, mãi mãi vẫn thiệt thòi cho đời mình, bởi sẽ luôn bị chìm trong nóng giận, mà không biết rằng người có thể giải thoát tâm mình chính là mình.

Người đang đứng xử kia, có thế xử cho chúng ta thắng lần này, nhưng cuộc đời thì không thế!


Thứ Bảy, 31 tháng 5, 2014

Mùa nóng!


Có lẽ đây là dịp để nhìn ra chúng ta thường “than van”, những lúc buột miệng vô cớ, nóng quá. Biết trách ai, đành đổ tội cho ông trời… bằng những câu cằn nhằn cho những ngày nóng.

Sự không kiểm soát được tư tưởng thành lời nói, tuy chỉ nói vu vơ thôi, nhưng nếu nhìn kỹ sẽ nhận ra nhiều điều hay cho đời sống chính mình.

Một ngày không than van về những bất như ý quanh mình, là có sự tỉnh giác khi tư tưởng khởi lên.

Điều nhỏ này, để ý được, cũng là khởi đầu cho bước chân tỉnh giác bạn nhỉ!


Thứ Tư, 21 tháng 5, 2014

Không nói với tôi!


Chú kể: Khách đi xe mỗi người một ý, có người không thích nói chuyện, không thích nghe nhạc. Đường dài, đôi khi buồn ngủ mở nhạc, nếu khách không đồng ý điều gì có thể góp ý thẳng, đây lại nói với chủ xe...

Có lẽ chú đã bị rầy rà nhắc nhở, hoặc giả đã phải đổi chỗ làm nên có lời tâm sự như thế.

Chúng ta cũng thường có "tâm sự" như chú. Việc chúng ta sơ sót hay theo cái nhìn của người khác là không được, thì ít khi được nghe góp ý thẳng với mình, mà chỉ được "nghe kể lại rằng:...".

Chút suy nghĩ, khi nghe chú nói thế. Sao không nói? Chỉ vì người ta không chịu được thái độ phản kháng và bào chữa về những gì mình làm phiền người.

Có lẽ khi nghe ai kể có ai đó phàn nàn về thái độ của mình, có lẽ mình cũng nghĩ lại coi vì sao như thế, trước khi trách ngay rằng "sao không nói thẳng với tôi!"

Thứ Bảy, 3 tháng 5, 2014

Cho là thiện chí


Thiện chí, hiểu đơn giản là nhiệt tình với tâm tốt. Và người năng nổ nhiệt tình thường chuốc lấy phiền phức bởi những lời nhận xét vu vơ bên ngoài.

Bạn hỏi bây giờ nên làm nữa hay không, làm hết lòng không nghĩ gì, mà bây giờ ai cũng nói bạn vì tình cảm riêng tư.

Bạn định bỏ hết những gì đang hết lòng làm lâu nay, những việc làm mà theo bạn là thiết thực giúp đỡ mọi người.

Khó nhỉ! Nên nói sao, cho những đám mây đang che mặt trời kia tan đi!

Chủ Nhật, 13 tháng 4, 2014

Nên nói hay không!

Nói ra thì sợ mất lòng, sợ gãy đổ mối tương giao, tuy chẳng thân thiết lắm, nhưng mất đi một người bạn mà thêm một người đối nghịch đâu hay gì.

Không nói thì cũng không vui, vì tự thấy bạn mình có lỗi, làm những điều sai quấy mà không góp ý cũng không được.


Bây giờ nên thế nào đây!

Chủ Nhật, 23 tháng 3, 2014

Thói quen

Thói quen là một điều khó nhận ra, cho đến khi ai đó cho biết, mới biết rằng thói quen nào đó đã là chính mình! Đến nỗi mình không hề hay biết!

Lời nói hay cách xử sự với nhau cũng thế, chúng ta ít khi để ý rằng mình làm thương tổn người, mà chỉ thấy người làm thương tổn mình.

Cho đến khi để ý tâm bị thương tổn, mà người bên kia thì cứ thản nhiên chẳng có vẻ gì cho là đã có lời nói hay cử chỉ hơi quá đáng. Khi chợt thấy nơi người, cũng là lúc giật mình nơi chính mình.

Người không hay không biết thái độ của họ, cũng như mình khó mà hay biết thái độ của mình! Thói quen ở mặt tiêu cực nguy hiểm cho chính chúng ta là vậy.

Chính thế ở mặt tích cực, người ta tập quen những gì cần thiết để tâm chính mình có thể lắng nhanh những giao động. Chỉ khi chính tâm mình có sự bình an, mới có thể biết những thói quen gây tác hại cho mình và người - mà một tâm thường giao động khó có dịp hiểu rõ.

Thứ Tư, 12 tháng 3, 2014

Hàn lại tâm mình!

Khi tương giao có những va chạm, trong tâm đổ vỡ niềm tin về nhau.

Có còn được như xưa không?

Người thì bảo tha thứ nhưng không quên. Người thì bảo tuy chuyện gì rồi cũng qua, nhưng không nhớ lại thì thôi, nhớ lại vẫn đau lòng khi bị đối xử như vậy, dù chỉ trong giây phút người kia nóng giận.

Bạn hỏi có cách nào hàn gắn không?

Mối tương giao có thể hàn gắn và tốt đẹp như xưa vẫn được, nhưng trong tâm (hay trong tim!) vết thương khó nhạt.


Có bạn nào có cách hàn gắn được tâm chính mình không nhỉ. 

Thứ Hai, 3 tháng 3, 2014

mã đáo thành công

Năm nay là năm Giáp Ngọ, đâu đâu cũng thấy tranh về ngựa. và câu thường nhắc là "mã đáo thành công". Thành công gì đây khi tới năm ngựa đến này.

Trong nhiều thành công, nhưng trong phạm vi trao đổi lâu nay của chúng ta, nếu thường lắng nghe được tâm mình, biết kịp vọng động của tâm trước khi phát ra lời nói và hành động. Thì có được coi là thành công chăng? Cho năm nay?

Thứ Bảy, 11 tháng 1, 2014

Trao đổi cuối năm


Một chu kỳ mới, chúng ta chúc nhau những lời tốt đẹp.

Thời gian bào mòn nhiều thứ nhất là sức khỏe,  nhưng chỉ một thứ là “thói quen (tập khí), thì thật khó bào mòn, khó bỏ, khó sửa, khó trừ.

Gặp sự trái ý, nổi nóng và nói những lời khó nghe, là một điều vẫn còn đó như một công án.

Gặp ai nhắc nhở chỉ lỗi thì phản ứng thanh minh vẫn nhanh như chớp, dù biết có những việc làm thinh vẫn hay hơn. Nhưng tập khí còn nhanh hơn tia chớp lòe trước tiếng sấm rền, đã làm lóa mắt nhau, người nhắc lẫn người được nhắc đều bước vào đường gai góc.

Mọi rắc rối phiền phức gây cho nhau, hay đúng hơn gây cho tâm mình, là sự không dừng kịp trước những thói quen quá sâu. Chính vậy, sự tự hiểu kịp tâm mình, nhận ra kịp những sinh khởi của tâm, những máy động trước những gì không như ý, là một công án chưa có đáp án.

Có lẽ chúng ta sẽ chúc nhau, có thói quen nhìn kịp lại tâm mình, trước khi chạy theo thói quen cũ.


Lâu dần sự huân tập sức tỉnh sẽ thấm sâu hơn, và thói quen xưa cũ kịp dừng trước khi phát tác những lời nói hay hành động khiến gây đổ vỡ thương đau cho tâm mình và tâm người.

Thứ Bảy, 4 tháng 1, 2014

Áp lực thầm lặng


Khi quá bận rộn, chúng ta không còn tâm trí đâu để nghĩ thêm những gì ngoài những việc đang cần giải quyết. Nên thường vẫn nghĩ chẳng có gì quan trọng hơn việc đang bận rộn cuối năm cần giải quyết cho xong.

Nhưng thật ra nếu bạn đang buồn, đang thất vọng thì nỗi buồn và thất vọng vẫn đâu đó, tâm không thể bận rộn vào những chuyện đang bận hoài, bởi nỗi buồn bạn đang chịu, nó ở chiều sâu hơn!

Cuối cùng chúng ta vẫn thấy, công việc chỉ là khỏa lấp, nên tưởng rằng bình an. Mới thấy khi sự mong ước về một điều gì đó, sâu xa thầm lặng, mà không được như ý, sẽ tạo một sức ép cũng thầm lặng nhưng rất lớn.

Lâu dần chúng ta sẽ không thiết tha với những gì gọi là thành công bên ngoài nữa! Bởi điều mong ước đã quá xa tầm tay.

Nếu không phát giác kịp thời những điều này, bạn sẽ trở nên ít muốn giao tiếp, vì những gì muốn nói, muốn bày tỏ đã không thể nói không thể bày tỏ!


Chính vậy sự hiểu biết kịp thời về những sinh khởi trong tâm luôn là điều cần thiết để tự giúp mình có thể bình tâm khi mọi thứ không được như mong ước. Vì sự nhận biết kịp thời đó đã nói lên sức tỉnh giác về những vọng động của tâm. Và chỉ có sức tỉnh mạnh mới đem lại sự bình tâm trước những biến cố trong đời.