Thứ Hai, 14 tháng 12, 2015

khi bị nhắc nhở


Một bạn hỏi: 
Có người nhắc mình là, khi được góp ý, nếu đúng thì từ từ sửa (vì đã là thói quen, khó mà sửa liền liền được), nếu chỉ là hiểu lầm (theo ý người bị góp ý thôi, chứ đang người rầy nhắc thì thấy đương sự lỗi trăm phần mới rầy nhắc chứ) thì để ý xem tâm mình phản ứng thế nào.Khi quen kịp nhìn những phản ứng của tâm thì mọi chuyện đỡ phiền thêm.

Nhưng như vậy có lý không, hay là mình nên giải bày cho người kia biết rằng mình không làm việc đó, không không có ý đó...
---
Trả lời thế nào các bạn nhỉ!


Thứ Sáu, 4 tháng 12, 2015

Nên thế nào đây



Lâu nay trang này không có bài, bạn nhắn tin hỏi vì sao.

Đây cũng là điều trao đổi đấy chứ. Trao đổi là có sự tương giao, chịu nghe nhau nói.

Bạn bảo: Nhưng rất khó để kể, vì vừa định nói ra đã bị gạt ngang, người đó cứ như tự cho là hiểu vấn đề, nhưng sao hiểu được khi chưa nghe bên kia giải bày chứ. Lâu dần làm thinh luôn, có gì để trao để đổi nữa chứ.

Bạn nè, thông thường khi mình nói hay kể, thì thường lỗi bên kia, và mình luôn đúng. Vậy hỏi ý kiến chỉ là xác nhận mình đúng và bên kia vô lý khi xử sự như vậy.

Bạn không chịu vậy, cho rằng hỏi là để có cách giải quyết vấn đề đang nêu.

Nhưng biết giải quyết sao, khi bạn đã đúng trăm phần. Có cách nào hay hơn cách bạn đang chọn đâu!

----
Nhưng sẽ thế nào đây với trường hợp như vậy!

Thứ Sáu, 2 tháng 10, 2015

Chỉ khi nào...


Có một bậc Thầy nhắc rằng: "Chỉ khi nào đương sự nhận ra lỗi, mới có thể thay đổi được".

Nhận cho ra lỗi mình thật khó. Vì ai vừa chỉ lỗi, chúng ta đã có vô số lý do để chứng mình rằng không phải là lỗi. Ngẫm đi nghĩ lại, hình như ít khi nào chúng ta có lỗi lầm.

Và lúc nào cũng dường như thấy rằng người chung quanh luôn lầm lỗi, khiến chúng ta phải phê bình, góp ý...

Nếu chúng ta đã toàn như vậy, thì sao đời sống chúng ta nhiều khó khăn và phiền muộn thế nhỉ!


Thứ Hai, 6 tháng 4, 2015

Cũng đáng giật mình



Có những lời nhắc thật đáng giật mình, chỉ bởi chúng ta luôn làm thế mỗi ngày mà không biết.

Chúng ta không biết niềm đau trong tâm người khác, mà chỉ thấy niềm đau trong tâm mình. Chúng ta làm khổ nhau với những nhận định về nhau chỉ bởi không kịp lắng tâm khi người khác làm mình bực bội.

Cũng như không ai biết những trận chiến trong tâm chúng ta, dù là người thân bên cạnh, có lẽ đem tâm tình này mà hiểu người khác, may ra đời nhẹ nhàng hơn.

Thứ Bảy, 28 tháng 3, 2015

Gặp bão không phao

Sự gấp gáp muốn bỏ ra khỏi tâm những lời nói, thái độ, nét mặt... làm chúng ta thương tổn chỉ càng làm cho sự khổ sở tăng thêm.

Kể ra rất khó gọi là qua ngay. Bình thường phải cần thời gian khá dài, vì sức va chạm vào tâm trái ngược với những gì mong đợi. Thay vì một nụ cười lại là nét mặt lạnh lùng! Sẽ đưa ra sức công phá rất mạnh. Người bị thương tổn sẽ tìm đủ cách để quên, nhưng biết làm sao!

Đơn giản như đi du thuyền, chủ thuyền trang bị cho mỗi người một cái phao để phòng bất trắc, nhưng có những lúc quá tin tưởng vào tài nghệ của mình, chỉ cầm đó mà không mặc vào. Khi gặp nguy, sóng gió lớn, làm sao kịp mặc áo vào. Chính vậy những gì chỉ hiểu trên ý thức sẽ không giúp gì nhiều khi chạm với thực tế. 

Bạn đang chìm trong sóng tâm. Có cách nào để vượt qua không bị chết chìm trong đó chăng?

Thứ Hai, 23 tháng 3, 2015

Những gì đã qua

HOA DA TRANG
 Một cách vô tình, dã tràng vẽ những hình ảnh trên bãi cát, nếu không ghi lại kịp, đợt sóng sáng nay sẽ xóa tất cả, và bãi cát sẽ như chưa từng có dấu vết nào. 

 Tâm chúng ta như chiếc máy ảnh, đã ghi lại những hình ảnh dã tràng se cát. Lưu giữ và bây giờ đang xem lại, vui buồn với những gì đã lưu trữ. Khi tâm lưu giữ, khi tâm chợt nhớ lại, có cách gì bình tâm với những gì đã qua chăng? Bạn thường hỏi như thế, khi nhớ những gì khiến lòng vẫn còn chùng xuống. 

Các bạn sẽ trả lời thế nào? Xin mời!