Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

"Dội ngược"

Trong đời sống ít nhiều gì chúng ta cũng từng bị “dội ngược”.
Em đang ủ dột vì trạng thái bị dội ngược này. Tai sao nhiệt tình đến vậy mà gặp một sự im lặng lạnh lùng đến vậy!

Ngẫm nghĩ vì sao mình luôn bị ‘dội ngược” bởi lời nói hay thái độ của người đối diện, của một tin nhắn, của một cú điện thoại… Có lẽ tại mình không nghĩ rằng người đó có thái độ như vậy với mình!

Có một điều mình quên để ý là, có ai đã từng bị dội ngược vì thái độ thiếu thiện cảm của mình, vì gương mặt lạnh lùng của mình, vì giọng nói cộc lốc của mình, vì thái độ gạt ngang của mình….

Mình chưa từng hỏi thế bạn nhỉ, mình cứ thấy bị dội ngược, rồi đau buồn, thất vọng… nếu mỗi lần tâm tư ở trạng thái nào, mình nhận ra ngay mình đã từng thế với ai đó, ít ra mình cũng chỉnh sửa được đời mình.

Còn sự việc đang xảy ra thì sao? Điều này cần thời gian tập tành lâu hơn, mình sẽ nhận thấy rằng, chỉ trong phút giây nào đó, mình mới gặp trạng thái này, còn bình thường thì vẫn vui vẻ cạnh nhau mà.

Tuy chúng ta nhiệt tình, nhưng “xông vào” giúp đỡ ai đó không đúng lúc, hoặc việc mình làm không đúng ý họ, chỉ đúng ý mình thôi. Và mình nhất định làm theo ý với danh nghĩa giúp cho họ. Gặp phản ứng mình trách móc họ, bởi mình làm cho họ mà kết quả thế này, mai mốt, đừng hòng!...

Tất cả mọi việc gây cho chúng ta thương tổn, một chút bình tâm quán sát lại, sẽ biết mình nên dừng cái bắt người khác phải theo ý mình, bắt người khác phải để mình lo theo ý mình!

Sự “dội ngược” chỉ là mọi sự khác với ý định vẽ vời trong tâm chúng ta mà thôi. Chẳng hạn mình đem tặng bạn một món quà, nhưng gặp phản ứng thờ ơ, mình cũng bị dội ngược. Chúng ta muốn người nhận phải tỏ thái độ chấp nhận!

Bạn để ý sẽ thấy chúng ta đều khăng khăng cho mình là có lý, dù cho chung quanh phản bác! Cho nên người làm mình “dội ngược”, đương sự đó vẫn thấy họ rất có lý, còn mình đúng là “đáng” được đối xử như vậy!


Chỉ quan sát tâm mình, biết chính mình, làm chủ được những cảm xúc, bất bình, vui vẻ… từ từ giảm bớt cường độ, thì mọi việc dễ thở hơn, có buồn chút đỉnh rồi thôi! Tâm tư nhanh an định, mình mới đủ sức mà hăng hái nhiệt tình trong mọi sự bạn ạ. Chỉ mong chính chúng ta đừng mất bình tĩnh mà làm ai dội ngược, thì cũng là điều đáng trân trọng lắm rồi.


Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Nóng ngầm

Có lẽ như cơn sóng ngầm vậy, trên bề mặt chưa gây tác hại gì. Nhưng trong tâm đã là giông bão âm ỉ. 

Chưa phát ra, chứ không hẳn là không phát ra.
Bạn cho rằng, không giận chỉ không muốn nhìn mặt. Thật sự cơn nóng đã chìm thật  sâu, có lẽ ở độ sâu mà ý thức phơn phớt không nhận ra, nên chúng ta nghĩ rằng chúng ta không giận.

Cảm giác này rất khó tả, nhìn kỹ sẽ hiểu, chỉ vì “nhân vật” hoặc sự việc đó đã gây nhiều phiền lụy, thương tổn cho tâm mình, nên mình “sợ” gặp. sợ phải tiếp tục chịu những thái độ hoặc lời nói mà mình không chấp nhận được. Thôi thà tránh mặt còn hơn.  Nếu vì nhiều lý do không thể tránh hẳn, thì cũng tìm cách tránh bằng cách chỉ ở nhà những giờ bên kia không có mặt.

Ở sở làm, ở tập thể… cơn sóng ngầm này tàn phá tâm tư chúng ta rất nhiều. Nó khiến chẳng bao giờ tâm tư an, khi nghĩ đến “nhân vật” hay sự việc đang đối đầu, vẫn nghe trong tâm bùng bùng một cảm thức khó chịu. Đến tên người đó cũng không muốn nghe nhắc tới, vì sao bạn để ý không, vì tên đó là đường dẫn đến kho chứa những chuyện đã qua!

Khi bạn đã từng có lần như thế, thử nhìn xem đâu là đầu mối để gỡ.


Vậy làm sao? Chúng ta từng hỏi thế trăm lần. Bạn có câu trả lời chưa?

Thứ Bảy, 22 tháng 6, 2013

Xem lại cơn nóng

Một trong những "chướng ngại" lớn của chúng ta là sự nóng giận mà thuật ngữ gọi là "sân si", bởi hễ nổi nóng lên tức là sân  thì không còn tỉnh táo tức là si, sẽ thốt lên những lời, khiến người bên cạnh rất "sốc" vì không ngờ một người như vậy có thể thốt những lời như vậy. Hoặc hành động đóng cửa cái rầm, liệng sách vở lên bàn... Những phản ứng tuy không gây "thương tích" cho nhau, nhưng gây "thương tổn" cho nhau.

Có một lần mình đi ra khỏi phòng, lớn tiếng. Tự nhiên nhìn thấy hình như cơn nóng giận có sẵn đâu đó trong người, chỉ cần ai đó chạm nhầm, là nó bùng lên (tùy cá tính riêng mà cách bộc phát có khác nhau, người đó mặt, người tái mặt).

Về ngồi yên nghĩ lại hình như vấn đề là đây. Sau đó Khi nghe nổi nóng, mình rời đối tượng làm mình nóng, chỉ để ý sự nóng đang bốc lên. Lạ thật, biết cơn nóng đang lên, nó dừng lại và nguội dần. Bao nhiêu đó đã đủ mừng rồi.

Thêm vài năm nữa, mới hiểu thêm, đơn giản nhất là ước muốn của mình không được như ý, mà ra thế.
Mình có mong muốn điều gì cho lắm, chỉ "mong muốn" được người mình nhắc hay dặn việc gì đó "nghe lời" mình, nên chỉ cần thấy một phản ứng nơi người là mình đã nghe nổi bực.

Nhìn được tới đây, buồn cười cho mình. Cái gút đơn giản vậy mà biết bao lâu bị chi phối, nói gì đến tham tài (tiền bạc) sắc (tạm gọi những gì mình muốn quơ về mình), danh (có danh tiếng, chức vị...), thực (ăn uống cho vừa khẩu vị...), thùy (ngủ nghỉ cho thẳng giấc...) làm sao thoát cho khỏi.

Khi nhận rõ vấn đề trong tâm, mình có thể nhìn kịp tâm khi tâm bị va chạm. Sẽ nhanh tỉnh. Bạn có để ý như thế không.

Vì đây là một việc mà đến giờ (hay đến già) nếu không để ý thì lúc nào cũng có thể tự làm khổ mình vì cơn nổi nóng. Mình đã khổ thì người sống cạnh cũng không yên các bạn nhỉ.

Thứ Năm, 20 tháng 6, 2013

Làm sao nhìn ra

“Làm sao nhìn cho ra mình thường dễ nổi nóng khi ý kiến của mình không được người khác đồng ý”.

Có lẽ em đang buồn nên mới hỏi câu này.

Không va chạm ý kiến với nhau trong công việc thì ai cũng vui vẻ, nhưng khi có những việc cần làm chung mới thấy tính nóng nảy xuất hiện.

Làm một mình theo ý mình thì có gì nói, nhưng sống trong đời đâu có thể sống một mình với ý kiến của mình.

Bao nhiêu lời khuyên nhắc, bao nhiêu sách vở chỉ đường. Cuối cùng đương sự vẫn không biết thế nào với những ngọn hỏa diệm sơn đang thời kỳ hoạt động.

Hèn chi người ta hay nói học hành, tu hành là vậy.
Nếu học biết rõ mà không thực hành thì cái biết vẫn chưa giúp gì cho mình! Huống nữa với tâm tu (sửa) mà không thực hành thì đâu cứ vào đó! 

Làm sao nhìn cho ra cơn nóng của mình, vì lúc đó mình chỉ thấy đối tượng làm mình nổi nóng, còn mình thì…

Thứ Tư, 19 tháng 6, 2013

Sống không hụt hẫng

Nhận được thư bạn nói:
Nhưng làm sao mà mình sống không hụt hẫng?  Và thường có niềm vui?  Câu hỏi xưa như trái đất mà lòng vẫn cứ nặng!

Thường thì chúng ta chỉ thấy người làm chúng ta hụt hẫng mà không thấy chỗ mình làm người hụt hẫng. Khi chưa sống gần nhau, mong có dịp tao ngộ, đến lúc làm chung công việc mới thấy “hụt hẫng”. Sự “thất vọng” càng lúc càng gia tăng, chắc là thêm chữ ‘về nhau’ thì chính xác hơn: sự thất vọng về nhau càng lúc càng gia tăng… đến nỗi sau này chỉ nghe đến tên cũng đủ giật mình!


Làm thế nào đây, có cái nhìn nào giúp tâm mình đi qua khúc đường khó khăn này không?

Thứ Ba, 18 tháng 6, 2013

khi bực vì người

Chuyện này cũng làm tôi giật mình hôm qua nay, sơ suất một chút, là mình chỉ thấy người thấy này thế kia mà quên nhờ tấm gương trước mắt để soi lại mình. 

Hôm nay nhắc chuyện ngày trước có lần cả nhóm đi dạy một lớp học các em lớp ba, phát kẹo để các em chịu học, nhưng có một em lên nhận tới hơn ba lần, tôi nổi bực. Khà, lòng tốt đi mất, chỉ còn sự bực về "tính tham".
Nhắc lại mới nhận ra, mình thì cứ bực khi thấy tính tham nơi người khác, mà quên rằng người khác thấy tính tham nơi mình thì sao nhỉ.

Nếu thường 'biết' những sinh khởi của tâm, bạn nghĩ chúng ta có thể thường biết tâm như thế chăng, để thay vì quá bực người, chúng ta có thể hiểu mình rõ thêm!

Thứ Bảy, 15 tháng 6, 2013

Từ cơn mưa giông

Chúng ta có thể trao đổi một điều gì đó với nhau, có lẽ cũng được bạn nhỉ.

Buổi chiều mưa giông, ngày cuối tuần, dự tính đi đâu đó phải tạm ngưng. 


Đời sống sẽ vô số bất chợt như thế do "thiên tai" hay "nhân tai", và chúng ta không làm gì khác hơn được. Chính thế khó mà nghĩ mọi chuyện đều do mình.


Vậy chúng ta sẽ quán sát thế nào, để mọi chuyện nhẹ nhàng hơn trước những sự việc bất ngờ như thế. Hãy thí dụ từ cơn mưa giông làm hoãn chuyến đi.

cách post trao đổi

Các bạn thân mến,
Hôm nay Blog nói về cách post những dòng trao đổi của bạn lên trang. 

Vì Blogspot thuộc gmail, nên nếu địa chỉ bạn là gmail thì không có vấn đề gì.

Nhưng nếu là yahoo hay một địa chỉ khác, bạn không cần thiết lập một Blogspot. Bạn để ý những dòng sổ xuống nơi bảng “nhận xét với tên”, bạn sẽ chọn dòng Tên/URL. Sẽ đưa ra bảng chỉnh sửa hồ sơ.

 Dòng URL là khi bạn vào hộp thư của bạn, dòng URL của bạn sẽ hiện ở dòng địa chỉ.


Bạn nhập tên và dòng đó vào, rồi click vào tiếp tục.

Sau đó click vào xuất bản

Mong nhận được những dòng trao đổi của các bạn để chúng ta cùng có nhiều góc nhìn.