Thứ Bảy, 30 tháng 11, 2013

Sao không thật lòng

Chúng ta thường muốn được đối xử thật lòng, nhưng không biết vì sao ít khi được như vậy.

Có khi nào chúng ta để ý rằng, vì một chút tâm đố kị ganh tị của mình, khiến một đời chúng ta nhận được sự ưu tiên, nhưng thực chất không là như thế.

Không ai muốn nhận sự ưu tiên như thế, nhưng đâu biết rằng chính mình chọn cách như thế.

Khi sống gần một người lộ ra những điều đó, bạn làm sao khác hơn phải luôn dành ưu tiên cho đương sự để nhà cửa ôn hòa. Không không dám vui vẻ với người khác, không dám để việc gì ưu tiên hơn cho ai khác.

Thật đáng buồn nếu chúng ta là “đương sự” đó. Được mọi thứ tốt đẹp bên ngoài, trong khi chính tâm tư luôn bị thiêu đốt bởi ganh tị, so đo, và đáng buồn nhất là những gì “đương sự” nhận được không do sự thật lòng trao tặng.

Khi nào nhận ra rằng, lúc luôn muốn mình được, có nghĩa là mình đã mất chỗ đứng trân trọng trong trái tim người! May ra lúc đó có thể thay đổi mọi điều.


Thứ Năm, 28 tháng 11, 2013

Sẽ tựa vào ai

Nếu còn nhỏ sẽ tựa vào cha mẹ, lớn lên đi học tựa vào thầy cô, rồi chọn một ai đó để tựa vào.

Khi mất điểm tựa này, chúng ta vội vã tìm điểm tựa khác, ít khi kịp nhìn xem mình đang thế nào. Chúng ta chỉ thường thấy ta khổ vì ai đó, mà ít khi hỏi ta khổ vì sao?

Hiếm có dịp nhìn lại mọi diễn biến nơi tâm, nên sức bên ngoài mới làm mình chao đảo hơn sức chao đảo có thật!

Đôi lúc chúng ta nghĩ mình sẽ chết vì ai đó, nhưng chúng ta chỉ chết vì những suy nghĩ của mình mà thôi.


Đôi lúc trong đời, bạn nhỉ! Ngẫm nghĩ lại những gì gây giông bão cho tâm mình lâu nay, bình tâm buông ra - người hay cảnh mà mình nghĩ là tác nhân khiến mình đau khổ thế này, mới mong lúc đó có dịp để hiểu vì sao chúng ta một đời lao đao.

Thứ Bảy, 23 tháng 11, 2013

Sao để trong tâm

Một người đã không muốn nói đến, nhắc đến, nhưng hình như trong tâm luôn nói đến nhắc đến và bộc lộ điều đó ra ngoài bất cứ lúc nào khi có thể.

Khi nói ra những lời không hay về ai đó, bộc lộ ra những hành động không vui, vô tình chúng ta đã tự nói rõ mình đang thế nào.

Sự thật thế nào qua những lời nói kia, nó bao hàm những gì trong đó, dường như ai cũng biết, trừ chính đương sự đang trong cơn u mê.

Những gì chúng ta nói về ai đó, đều đúng với cái nhìn chứa đầy buồn giận của mình.


Chúng ta sẽ thế nào khi đang quá muốn một ai đó đừng ở trong tâm mình nữa, nghĩ đến làm chi cho bực thêm! Tuy là nói vậy, nhưng hình ảnh kia, vẫn đó trong lời nói, trong suy nghĩ, đôi khi đến cả trong giấc mơ.

Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Thực chất nỗi buồn

Nghe một bản nhạc buồn, đọc một truyện buồn, xem một phim buồn… Bạn nghĩ rằng phim, truyện, nhạc làm mình buồn.

Nếu Bạn đang có nỗi buồn nào đó. Im lặng. Thì nỗi buồn kia được gán cho phim cho nhạc. Thực chất đó là nỗi buồn của bạn!

Phim, truyện và nhạc… chỉ nói lên dùm bạn là bạn đang buồn!

Có những góc tâm rất tế nhị, nếu không nhìn ra, thì thật khó mà gạn được nỗi buồn đang chìm trong tâm chính mình. Sự tương ưng của phim nhạc truyện là nói lên dùm điều mình muốn bày tỏ, nhưng không biết sao nói được, bởi có những điều trong góc khuất và chính chúng ta cũng không biết rằng những điều đang xảy ra, khiến có nỗi buồn như vậy! 
Vì mình không tin rằng điều đó có thể va chạm được tới tâm tư mình!


Có những điều cũng rất bất ngờ khi chúng ta chợt bắt gặp trong tâm bạn nhỉ!



Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

"Thân lừa ưa nặng"

“Thân lừa ưa nặng” là thành ngữ ví người ương bướng, ngang ngạnh một cách ngốc nghếch, phải để người ta có biện pháp mạnh mới chịu phục tùng, nghe theo.

Đọc câu này chắc chúng ta không đồng ý, thường cho rằng mình bén nhạy thông minh, như ẩn dụ ngựa thấy bóng roi đã chạy theo một tích truyện trong A-hàm:

Cao nhất là hạng tuấn mã (hay lương mã), chỉ cần thấy bóng roi đã hiểu ý của người mà chạy. Hạng ngựa thứ hai phải để roi chạm lông rồi mới hiểu. Hạng thứ ba đợi roi đụng vào thịt mới vỡ lẽ ra. Còn hạng thứ tư, phải chờ lúc roi quật thấu xương tủy rồi mới bắt đầu hiểu mà chạy.”   

Dường như lúc nào chúng ta cũng nghĩ mình tự trọng tự giác, nếu được vậy thì nội quy không cần nữa! ban đầu đâu có nội quy gì, dần dần càng lúc quy định càng chặt chẽ.

Nơi nào nhiều nội quy, nhiều kỷ luật nhiều đe răn là biết thấy bóng roi chưa chạy. Nhắc nhở chưa đủ để tự tỉnh giác ít, mới cần nhiều kỷ luật. Cái hàng rào càng chắc thì biết tâm ruổi rong chưa dừng, nên làm nhiều lớp rào để giữ chân.

Bạn có để ý rằng chính vì chúng ta ưa nặng mới chịu chạy, nên cứ chờ bị kỷ luật, nhắc nhở trách phạt... mới chịu tuân theo!


Đáng buồn bạn nhỉ!