Thứ Hai, 2 tháng 6, 2014

Kể công


Thường nghĩ rằng mình đang giúp ai đó, ý nghĩ đó khiến việc tốt chưa tự nhiên.

Việc tốt việc lành tự nhiên hoa nở nước chảy, có lẽ nước không biết mình đang trôi chảy, hoa không biết mình đang nở, chỉ thuận theo thời tiết nhân duyên mà thôi. Việc tốt của chúng ta có lẽ như thế, thì tâm ta và tâm người mới nhẹ như mây nổi. Chẳng gì bận tâm.


Vì tâm kể công của mình quá nhiều, quá nặng khiến mối tương giao dường như là sự trao đổi mà chính mình không biết. Nên khi đối tốt với ai, mà họ không tốt lại như mình nghĩ thì mọi điều không hay bắt đầu phát xuất. Phê phán nhau, chỉ trích nhau…

6 nhận xét:

  1. Hồi xưa, em cũng hay kể công; nhưng bây giờ thì tập buông.
    Mới thấy, khi buông được 1 chút thì lòng nhẹ được 2 chút...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Điểm này nghĩ kỹ thấy thật hay. Đúng là mình khổ do chính sự vướng mắc của tâm mình vào điều mình cho là mình làm cho người, vì người.
      Hiểu ra được tâm khởi lúc này, mới biết vì sao! Vì chỉ muốn được công nhận trong mắt người.
      Không nhận biết tâm mình, sẽ quanh quẩn mãi trong buồn vui vì công được nhận hay không được biết tới.

      Xóa
    2. Làm sao bạn biết nước chảy nước không biết, hoa nở hoa không biết? Nếu nói do nhân duyên thời tiết, thì phải có gieo nhân lành, thì bây giờ mới có duyên lành. Vậy ta gieo nhân "giúp đỡ" bây giờ, ta sẽ được quả giúp đỡ về sau. Nói vậy cũng còn chút tính toán của tâm ích kỷ.

      Cho Tuyết xin chút thì giờ để dài dòng. Sau năm 75, T thường lén Mẹ và Bà Ngoại xúc 1, 2 lon gạo trắng nàng hương đem cho các người ăn xin đi qua cửa, Họ đều biết T lén lút, vì mỗi lần cho xong, đều hối họ đi nhanh, và họ không trở lại xin thêm. Cuộc đời trôi nhanh không ai trở lại để T kể công. Hơn 10 năm T lớn và vượt biên, T ở trại tị nạn BanThat-Thailand vào năm 1989 sát chân núi gần quân Khơ Me Đỏ không an toàn, chưa liên lạc được với gia đình. Không đủ gạo và muối để cho ngày mai. Không biết sống ra sao, không có tiền, không ai dám cho mình mượn vì ai cũng phải thủ. Có những người con gái trạc tuổi rất đẹp đã ngủ với lính Thái để có tiền. Không dám phê phán vì sợ mình sẽ rơi vào thảm trạng đó. Chiều xuống, người ta thông báo phái đoàn Phật Tử Úc tặng mỗi người 50baht không phân biệt tôn giáo, ai cũng được đồng đều như nhau. Tất cả mọi người đều reo hò. Có người liên lạc với gia đình ở Mỹ, lãnh tiền "ĐÔ" ($100 US = 2200bath thời đó), vẫn được tiền như mọi người. Các cô gái liên hệ với lính Thái vẫn được lãnh tiền. Nhà thờ chỉ cho tem dán thơ cho những ai đạo Thiên Chúa Giáo. Người đạo Thiên Chúa Giáo cũng được tiền. T cũng được tiền. Và việc đầu tiên không mua gạo, mà đi mua đậu xanh và đường, nấu 1 nồi chè ăn thay cơm (hết 6 baht). Hơn 8 tháng đảo hoang đến đảo hoang vào rừng vào trại biên giới. T không được ăn chè, nên thèm vô cùng. Rồi 50bath cũng đi qua, mỗi người xài tiền theo sở thích riêng. Tất cả rồi cũng đi qua. Tất cả đều đi định cư nước thứ 3, và trại đóng cửa.

      Nếu mình kể công, phê phán trỉ trích thì tội nghiệp cho cả đôi bên. Cám ơn Trời Phật, không có ai trỉ trich, không ai đau khổ về việc T hoang phí ăn chè. Nếu có, hậu quả không thể nghĩ bàn, cái nồi chè đó trở thành thuốc độc hận thù suốt đời. Lúc ăn chè T chẳng nhớ việc mình cho gạo để phân bua, hoặc biện minh cho việc ăn chè. Chỉ ước gì nồi chè đừng hết. Đúng là thọ thì khổ, nhưng có vị nào thương T đã cho lần thứ 2, nên T được 2 lần ăn chè. Đến hơn 15 năm sau ở Mỹ, T nghe pháp học Phật mới vỡ lẽ. Hơn 20 năm qua, cơ hội giúp đỡ các nạn nhân thiên tai trên thế giới T không hề bỏ qua. T không thể trả trực tiếp các Phật Tử Úc Châu. Xin phước lành tiếp tục đến với những ai cần nhất. Cám ơn các Phật Tử Úc Châu, T không hề gặp họ, và họ không hề gặp T, không ai có trong mắt ai. Cám ơn những ai đã cho T nếm cái ngọt của bố thí. Ngàn lời cám ơn cũng không đủ

      T hy vọng sự chia xẻ này giải tỏa những khúc mắc trong tâm người cho và kẻ cho. Cầu xin các vị ra khỏi cái vòng luẩn quẩn bực mình vớ vẩn.

      NgT

      Xóa
    3. Thật ra, bước đầu thì nói, gieo nhân tốt để gặp quả tốt. Sau thì có thói quen làm việc tốt mà không nghĩ đến được quả tốt như lúc đầu nữa. Việc này để ý tâm sẽ thấy. Giống như ban đầu học nghề, phải chú ý, sau khi thành quen sẽ không để ý nữa. Gọi là tập thành tánh.
      Việc này mỗi người tự hiểu tâm mình nhất mà thôi.
      Còn sự bực mình vớ vẩn như bạn nói thì nhiều góc cạnh lắm, nhất là đối với những người thân.
      Dần dà khi hiểu rõ tâm mình, sẽ thấy mọi việc đơn giản hơn.

      Xóa
  2. Lẽ thường, khi mình làm việc gì cũng muốn người ta nhớ và nhắc đến "công trạng" của mình. Có khi, còn so đo công mình nhiều, công người ít... Khi đã có tâm phân biệt, tức thì, phiền não dấy khởi. Còn nếu mình làm ơn cho ai và muốn hoặc bắt buộc người nhận phải trả ơn, hoặc ghi nhận công cán của mình thì té ra giống như bài viết đề cập đến "Vì tâm kể công của mình quá nhiều, quá nặng khiến mối tương giao dường như là sự trao đổi mà chính mình không biết".
    Cám ơn bài viết đã chỉ rất cặn kẽ vấn đề mà nếu không nhận ra được, mình rất dễ vấp phải. Xin cám ơn tác giả rất nhiều.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hằng ngày chúng ta làm bất cứ gì, thường là vô tâm. Dù cho có giúp người hay lo lắng cho ai đó, cũng không hề nghĩ gì. Nhưng sự ghi nhận lại thầm thầm, nếu mọi việc trôi chảy êm xuôi, chúng ta không nhớ gì và cũng không để ý gì (Lúc đó mà thấy ai kể công này kia mình sẽ cho là lẩn quẩn chấp nhất...).

      Nhưng rồi nếu có dịp mà những gì chúng ta làm không được đền đáp bằng một cách khác thì sẽ thấy tâm "kể công" của mình trỗi dậy!

      Chính vậy chúng ta tập hiểu rõ tâm mình khi nó khởi sẽ giúp tâm nhanh chóng lấy lại thăng bằng (vì nó đang chao nghiêng bởi suy nghĩ), mọi suy nghĩ sẽ dừng một cách tự nhiên. Mọi việc được nhìn rõ ràng hơn.

      Xóa