Chủ Nhật, 21 tháng 7, 2013

Có cách nào đây!

Hằng ngày chúng ta gặp rất nhiều  việc “cần góp ý”, ai cũng cân nhắc đắn đo, bởi biết  sau khi nói, mất đi ít nhiều tình cảm người đang dành cho mình.

Nếu chúng ta là người được góp ý, bạn sẽ thấy trong tâm có sự chống đối, phản kháng. Dù ngấm ngầm nhưng ít nhiều  cũng lộ ra vẻ mặt, dù bạn chỉ mỉm cười! Đó là người biết duy trì cho vui vẻ để người bên cạnh còn “cơ hội” góp ý cho mình. Nếu phản kháng ra mặt, thì biểu lộ sức tương tổn không giữ trong tâm nổi.

Có lẽ chúng ta giống nhau điểm này bạn ạ, cách gì cũng nghe thương tổn, chỉ bởi chúng ta không nghĩ mình “tệ” như vậy. Hoặc giả chúng ta không bằng lòng, hình ảnh mình trước cái nhìn của người là vậy.

Cũng gọi là “điểm nóng” trong ngày bạn nhỉ.
Có một thí dụ thế này. Chẳng hạn chúng ta đã lau dọn phòng rất kỹ, nhìn đâu cũng vừa ý, nhưng nếu có một ánh đèn Pin rọi vào trong góc, thấy còn chút mạng nhện! Nếu chúng ta là người cầm pin, thì đã vội vàng quơ chỗ còn sót lại đó rồi. Nhưng đây là người bên cạnh pin vào.

Dĩ nhiên chúng ta có đủ lý do để bào chữa cho sự sơ sót đó, hoặc sẽ phản ứng. Khi được chỉ nhắc điều gì, phản ứng tương tự vậy! 

Có nhiều việc, tuy đơn giản nhưng luôn ở một góc chúng ta nhìn không đến bạn ạ. Chúng ta bao giờ cũng cần người bên ngoài “sáng suốt” nhìn ra những sơ sót.

Góp ý cách nào để người bên kia vui vẻ. Hình như không có cách nào hết! Chỉ có buồn ít hay nhiều thôi. Muốn biết cách nào, có lẽ quan sát tâm mình khi “được” hay “bị” chỉ lỗi, xem cách gì mình mới chấp nhận. 


Chính vậy, chúng ta luôn hiểu tâm mình trước, xem thử thế nào, mọi chuyện khi qua tâm, chạm đến tâm, mình có thể qua nhanh được. Khi bạn khám phá ra, với chân tình đó, may ra mọi góp ý xây dựng mới thành tựu cho nhau.

10 nhận xét:

  1. Vẫn biết rằng soi sáng cho nhau là cách nâng đỡ, yểm trợ để cùng nhau tiến bộ. Nhưng sau mỗi lần nghe ai đó góp ý , phản ứng đầu tiên của mình là buồn. Nhiều thì biểu lộ ra ngoài, ít thì cứ mang mát trong lòng . Những lời góp ý xuất phát từ tâm chân thành, rỗng rang, không thành kiến thì người đón nhận dễ dàng chấp nhận hơn. Khi cảm xúc buồn đi qua, mình sẽ thấy được giá trị của lời góp ý và sau đó là sự hàm ơn thầm lặng. Có điều đâu phải lúc nào mình cũng nhận được lời góp ý chân thành, cho dù chân thành mà không nhẹ nhàng thì mình cũng khó đón nhận. Cái tâm rắc rối thật!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Không phải cái tâm rắc rối, mà chính chạy theo những suy nghĩ mới gây rắc rối. Hay là vì không biết tâm đang sai sử mình, nên mới gặp nhiều cay đắng. Dừng lại một chút để biết, vì mình làm khổ người, người mới bực mình mà góp ý. Chúng ta ít để ý điều này, nên khi người góp ý cũng có nghĩa là thái độ sống của mình khác nhịp với chung quanh!
      Để ý kỹ điểm này, tự nhiên tâm nguôi lại, và biết "tự mình" gây nên cuộc hí trường!

      Xóa
  2. Mà hình như khi “được” hay “bị” góp ý bất cứ việc gì dù đúng hay sai, dù thật lòng hay gì đó... đều làm cho đối phương cũng có một chút chạnh lòng. Vì mình cho rằng đang đụng vào nỗi đau của mình nên luôn có những biểu hiện im lặng hay tỏ thái độ không máy vui...!

    Bởi cái tâm mình luôn rắc rối nên mới sảy ra nhiều việc mà chính mình phải nhận lại trong cuộc sống của chính mình!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "phải nhận lại", bạn nhìn ra điểm này, thật hay! Đó là kết quả của một nhân đã làm!

      Trong đời sống (gia đình, sở làm, tập thể...) vì mỗi người đều cho rằng mình đúng, nên làm theo cái đúng của mình, khiến bị góp ý. Vì cho là đúng nên phản ứng bảo vệ, nếu nhận ra là sai, thì cũng có lý do để chống chế!

      Sự góp ý đáng lẽ là xây dựng cho nhau, lại trở thành "phê phán" thẳng tay, gây thương tổn và đổ vỡ mối tương giao, mà chúng ta cố gắng gìn giữ lâu nay.

      Sự góp ý nếu giảm bớt cường độ khi nói và hành động, có lẽ dễ chấp nhận hơn. Vì thường khi "xây dựng" ai, chúng ta luôn nói trong cơn nóng giận về sự sai sót, không biết xử của bên kia, mà ra nông nỗi vậy

      Xóa
  3. Mình luôn biết ơn những lời góp ý chân thành. Song, ngay khi "bị" hay "được" góp ý, dường như bao giờ mình cũng có chút phản ứng gì đó để bảo vệ "cái tôi" của mình. Tuy nhiên, sau đó, khi lắng lòng lại, mình thường hay nhìn lại sự việc để cố gắng khắc phục những sai lầm hoặc thiếu xót. Mình nghĩ rằng, một ai đó có quan tâm đến mình thì mới phải nhắc nhở, góp ý với mình để mình được tốt hơn. Nếu không, họ cũng chẳng bận tâm làm gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Lời góp ý chân tình bao giờ sau đó cũng để trog lòng chúng ta một chút biết ơn. Bạn nói đúng vì người đó nóng ruột sự dại dột của mình nên mới góp ý.
      Phản ứng nào cũng do hai bên bạn ạ.
      Nếu sự góp ý mang tính cách "chỉ trích" chỉ làm chúng ta "giận" thêm.
      Nhưng nghĩ cho cùng, nếu biết thường xuyên quán xét tâm mình, thì dù chỉ trích, chúng ta cũng nhanh nhẹ lòng, vì biết chính tâm mình, mình có thể giảm bớt áp lực từ người bên ngoài.

      Xóa
  4. Có cách nào đây? ”… có lẽ không có cách nào cả, ngoài việc mình phải nhìn lại tâm đang phản ứng của mình khi “được” góp ý, phải không?
    Vừa nghe người góp ý là bắt dầu trong tâm liền có phản ứng, đôi lúc thốt ra lời nói hoặc hiện lên nét mặt, ít nhiều có thể gây “dội ngược” cho người.
    Có thói quen nhìn kỹ tâm mình sẽ giúp ta có sức mạnh dừng được những phản ứng đó, để khi nghe xong một lời góp ý, mình có thể nói rằng “ok” dù không bằng lòng lắm nhưng cũng để thể hiện thiện chí của mình đang lắng nghe và có sự tiếp nhận ý kiến đó. Có như thế, người bên cạnh sẽ còn “cơ hội” để góp ý cho mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Được vậy, cũng là một quá trình "rất" lâu dài.

      Phản ứng của chính mình, mình còn không ngờ, nói chi người đối diện. Nhìn ra điểm này cũng khá "quan trọng" , vì khi bị những câu nói quá bất ngờ, nếu mình cũng kịp hiểu ra rằng, chính người nói ra câu làm thương tổn mình trầm trọng, họ cũng không ngờ đấy! Thì có thể sẽ dịu lại hơn. Vì thật ra khi sống cạnh nhau, không ai muốn làm ai quá thương tổn bởi lời nói của mình đâu.

      Xóa
  5. Vì sao mình muốn góp ý người khác? Có thực sự mình muốn điều tốt cho họ không? Vì sao mình nhận góp ý từ người khác? Có thực sự mình mong được người khác chỉ ra lỗi lầm của mình không? Trong hai chiều góp ý, mình muốn chiều nào nhiều hơn: góp ý hay nhận góp ý? Hình như chẳng mấy ai muốn người khác góp ý về lỗi lầm của mình, nếu không nói là không có ai. Nếu không có ai muốn nhận góp ý, vậy có nên kêu họ đén nghe mình góp ý không?

    Trong quan hệ sư đệ, hẳn nhiên có sự tuân phục rồi. Nhưng trong quan hệ đồng đẳng,, có mấy ai chịu nghe ai. Nếu một người có thể chỉ ra lỗi lầm của mình thì người đó là thầy mình. Nếu một người là thầy mình thì không còn sự góp ý nữa, họ chỉ dạy cho mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có nhiều cách nhìn cho một vấn đề, và cái nhìn tích cực sẽ giúp cho tâm dễ bình an hơn.
      - Góp ý chỉ vì họ khác ý mình, hoặc giả họ đã làm cho nhiều người phiền, và chúng ta không chịu được sự phiền đó, nên lên tiếng.
      - nếu thực sự muốn tiến bộ, thâm tâm mong có sự chỉ ra những điều chính chúng ta không nhận ra. Tuy rằng khi bị góp ý, tâm sẽ không vui, nhưng sau đó, rõ ràng chúng ta có sửa điều đó, nếu chính chúng ta thấy điều mình đã làm cũng hơi khó coi! Điều này chúng ta nhận thấy được ở những người chung quanh, một ai đó ai bực bội gây gỗ, họ có giảm bớt khi được nhiều lần góp ý. Đôi khi không thấy tác dụng, chỉ vì họ không cảm phục tư cách chúng ta, nên họ làm sao chấp nhận được lời chúng ta nói.

      Thật sự mà nói, ai cũng muốn tốt hơn, nên sự góp ý vẫn cần thiết trong đời sống, đôi khi chỉ cần đọc một vài câu hay, chúng ta đã giât mình, thì lời đó cũng là góp ý cho cách sống. Bất cứ điều gì, có thể từ một câu nói ngây thơ của một em bé, cũng khiến chúng ta thay đổi cách nhìn lâu nay...

      Trong tương giao bạn bè thì sự góp ý đúng là cần thiết, tuy rằng luôn gây thương tổn cho chúng ta, nhưng thật sự giúp chúng ta nhìn lại mình.

      Xóa