Chủ Nhật, 28 tháng 7, 2013

Biết phải chạy đâu!

Trong cuộc sống đôi lúc chúng ta có cảm tưởng mình đang ở ngõ cụt, không biết sao thoát được.

Thoát được không là việc khác, nhưng trước nhất, là cần an định tâm lại, dù rằng đó là thời điểm khó an định nhất. Chính vậy ngay khi còn thong thả nếu có thói quen dừng bớt những suy nghĩ làm tăng tốc việc đang có, sẽ giúp chúng ta rất nhiều lúc gặp những việc khó xử.

Thường nên để ý sự việc thật, không quá phức tạp như khi chúng ta nghĩ đi nghĩ lại, chính tâm phác họa thêm đó, khiến sự việc dễ đi đến bế tắc gây buồn phiền cho nhau. Vui thì ít khi vui hơn, nhưng hễ buồn thì rõ ràng chìm sâu thêm. Để ý được vậy, những gì đang nặng lòng thì không làm nặng thêm, để vừa sức chịu. Khi vừa sức chịu chúng ta mới đủ bình tâm mà giải quyết.


Cuộc sống đúng là có lúc này lúc kia, có những khúc quanh trong tâm rất là “lịch sử”, nhưng giảm bớt tốc độ, để tâm vừa sức chịu, có lẽ là điều đầu tiên, trước khi có một đáp án hoàn chỉnh hơn.

8 nhận xét:

  1. "Chính vậy ngay khi còn thong thả nếu có thói quen dừng bớt những suy nghĩ làm tăng tốc việc đang có"
    Thật lòng đã suy nghĩ nhiều mà tôi vẫn chưa hiểu câu này. Xin bạn giải thích rõ hơn:"những suy nghĩ làm tăng tốc"

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "Chính vậy ngay khi còn thong thả nếu có thói quen dừng bớt những suy nghĩ làm tăng tốc việc đang có"
      Chuyện đang có như đang bực dọc ai, nếu chúng ta càng nghĩ tới, thì nỗi bực sẽ càng lúc càng gia tăng, nhưng nếu có thói quen, bớt nghĩ đến, thì việc đang bực sẽ chỉ ngay lúc gặp mặt thôi, lúc chuyện qua, tâm đỡ mệt hơn, nếu không cứ nghĩ đi nghĩ lại việc đó thì giống như đào sâu thêm, nếu đang chạy xe thì giống như tăng tốc khiến xe càng lúc càng nhanh, việc càng lúc càng đè nặng hơn.

      Vì thường ít ai suy nghĩ theo chiều hướng giảm bực bội, mà thường quy lỗi cho người nên làm tăng tốc (việc giận) là vậy.
      Chúng ta cứ thấy người bên cạnh nhìn mình càng lúc càng "tệ" là rõ, chỉ vì họ cứ nghĩ thêm cho những gì chúng ta nói và làm, tuy rằng mình không có ý tệ đến vậy, nhưng vì họ càng đào sâu thêm trong suy nghĩ của họ, nên cứ làm khổ nhau.

      Xóa
  2. Đôi khi “không biết chạy chỗ nào” cho nên ngay chỗ đó mà nương ở, mà đứng dậy. Nếu có chỗ để chạy tức là đã “chạy trốn” rồi, là đồng nghĩa với “thi rớt”, “thua trận”.
    Tuy nhiên, thực tế cũng thường làm đau lòng người, khiến cho mình đôi lúc muốn “chạy trốn” thực tại. Nhưng biết chạy đâu bây giờ? Ở đâu thì cũng những con người với những vấn đề trong cuộc sống, có thay đổi được chăng là cách nhìn của chính mình.
    Chi bằng “ở yên” để “dưỡng sức” mà ứng phó với thực tại, có lẽ sẽ đỡ nhọc hơn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Muốn ở yên, thì trước hết tâm phải yên, cái gút ở điểm này, chúng ta thường muốn ở yên, nhưng luôn nuôi tâm sóng gió. Phải có một nội lực, tức là sức của chính mình, mới có thể đủ sức mà không theo vọng niệm.
      Sự dừng lại của tâm phải là điều đầu tiên nếu chúng ta muốn dừng bước. Nhưng khi muốn dừng bước mà không biết cách dừng tâm, sẽ đưa đến xung đột trong tâm, khiến chúng ta không còn đủ sức mà nhìn rõ vấn đề đang xảy ra nữa.
      Có những điều rất nhỏ, nhưng nếu không để ý thì việc mình muốn làm vẫn khó thành!

      Xóa
  3. Đúng là cuộc sống muôn mặc, có lúc buồn, có lúc vui, có lúc tưởng chừng như mọi việc đã qua nhưng không ngờ lại trỗi dạy! Khi sảy ra việc đúng là không biết chạy đi đâu?
    Như QN nói: nếu giảm bớt tốc độ, để tâm vừa sức chịu, có lẽ là điều đầu tiên, trước khi có một đáp án hoàn chỉnh.
    Hy vọng bản thân mình sẽ áp dụng được như những điều QN chia sẽ. Để thật sự có một đáp án hoàn chỉnh!
    Cảm ơn! Đã mở cho mình một con đường!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi quen bạn sẽ thấy để mọi chuyện cho tâm vừa sức chịu là một điều giúp chúng ta rất nhiều, vì thường chúng ta hay làm việc nặng nề thêm, nên đôi khi chỉ vì một vết thương nhỏ mà quá sức chịu của mình, bởi chính mình đã làm cho nó nhiễm 'phóng xạ vọng tưởng' nên phát triển nỗi đau không dừng được!
      Chúc bạn bình an.

      Xóa
  4. Giảm bớt tốc độ. Hay quá xá. Vừa có dịp ứng dung vào một hoàn cảnh bị sự việc cuốn như cơn lốc. Sống chậm lại, thấy có khác liền. Ứng dung rất tốt trong cuộc sống ở xã hội Tây phương. Sống chậm lại là có cơ hội nhìn lại tâm. Thấy vững vàng hơn giữa những chao đảo của đời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vậy là bạn đã quen cách biết kịp những gì gây phiền toái cho mình mà bớt lại tốc độ của nó.
      Việc này nghe tầm thường, nhưng ai đã từng kịp thời giảm tốc, sẽ thấy đỡ tai nạn cho mình và cho người bởi những cơn nóng giận hơn việc đang xảy ra.
      Mọi việc đang xảy ra không phải là không, nhưng chúng ta thường làm nó tăng tốc của bất giác hơn là từ từ dừng lại để cứu lấy tâm mình!
      Chúc bạn an vui.

      Xóa