Thứ Tư, 17 tháng 7, 2013

Ai cũng biết xử!

Khi xử sự, mình cũng đắn đo suy nghĩ, nên có đôi chút “tự hào” về cách xử sự của mình. Nhưng nếu tình cờ nghe nhận định của ai đó, mới biết cách xử của mình vừa trẻ con, vừa vụng về, vụng tính hay nói gọn là “không biết xử!”

Nghe kể đôi chuyện chúng ta luôn nhìn ra sự tự hào về cách biết xử của người đang kể, bởi trăm lỗi lầm đều ở phía bên kia, và người kể đã phải khéo xử cho yên!

Nhìn ra sự tự hào của người kể bởi điều đó chạm vào sự tự cao của riêng mình. Nếu tâm mình không tự cao, thì sự tự hào kia mình không để ý.

Có những chuyện, tưởng rằng mình không, nhưng khi người “có” chạm vào cái “có” của mình, may ra lúc đó mới nhận ra, lâu nay mình cũng vậy ư!

Có thể nhận ra hơi muộn màng, nhưng muộn còn hơn không! Nhận ra, tự nhiên khi kể âm giọng có nhẹ hơn, và rõ ràng bớt kể về “cái hay” của mình bắt người phải nghe!

Cuộc sống như một tủ nhạc, đủ loại nhạc trên kệ, đôi lúc nhà bên cạnh mở những âm điệu mình không thích cũng đủ khổ! Nhưng mình thì lại cứ mở những gì mình thích lại không biết người bên cạnh chẳng muốn nghe!

Khi nhận cuộc gọi không mong muốn, nhưng vì lịch sự, đành để điện thoại trên bàn cho bên kia nói vào hư vô! Nhìn thấy cảnh đó, bạn có nghĩ sẽ điện thoại cho ai mà kể dài dòng về mình nữa không. Nhưng rồi vẫn kể vẫn nói những điều còn chứa đầy ắp trong tâm!


Hiểu được tâm mình, chúng ta mới không chứa đầy trong tâm những chuyện nặng tâm nặng lòng! Mới mong nhẹ nhàng cho những mối tương giao bên cạnh.

12 nhận xét:

  1. "quay lai nhin minh". cam on bai viet quy bau nay

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đời sống như một trường học, và những gì va chạm giữa chúng ta là một cuộc thi cuối khoa, nếu không giải đề nổi, thì kể như "lưu ban"!
      Những mối tương giao gần nếu không ổn, dù làm được gì vẫn nghe nặng tâm. Chính vậy, chúng ta luôn tìm cách ổn định tâm mình trước là vậy. Tuy không dễ, nhưng cuộc sống có gì là dễ nếu chúng ta chưa từng quen làm!

      Xóa
  2. Mỗi người một ý, mỗi nơi một nội quy khác nhau. Hiểu ý người và tuân thủ nội quy nơi ta đến thì chắc rằng mọi nơi đều vui vẻ khi có ta. Lúc đó Tâm người và Tâm ta sẽ không vướng bận điều gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật sự tâm vọng động rất nhiều tầng lớp,giải quyết trên bề mặt có thể tạm ổn. Nhưng bên trong mỗi người vẫn giữ khư khư ý đúng của mình.
      Nếu không có cái nhìn thay đổi về chính mình, tâm khó thực sự yên cho mình và người!

      Xóa
  3. Bài viết thật hay. Haiza, không biết đã bao nhiêu lần "nói vào hư vô" rồi nhỉ?!!! Nếu quan sát kỹ sẽ nhận ra mình luôn là luật sư của mình và là quan tòa đối với kẻ khác. Và khi tâm mình đầy ắp những chuyện nặng tâm, nặng lòng. Mình chịu không nổi mới đem trút bớt cho người, thì thử hỏi làm sao người chịu nổi đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Cho nên vấn đề luôn chính từ tâm chúng ta trước. Vì mê mải theo ý của mình, chúng ta thường ít thấy những gì chung quanh. Khi chuyện không vui xảy ra, lại ít khi thấy mình, ít khi giải quyết tâm mình trước, cứ theo thói quen trách móc, phân trần... Chúng ta đau khổ có lẽ vì vậy bạn ạ.

      Việc tuy đơn giản nhưng nếu chưa quen biết rõ những vọng động của tâm mà dừng, cũng khó qua nhanh được những phiền toái đang trong tâm.

      Xóa
  4. Khi không vui thì rất muốn nói ra những điều mình chứa đầy ắp trong tâm, tuy là chỉ nói cho hư không nghe thôi vì người bên cạnh thật sự không nghe mình nói gì cả. Nhưng sự có mặt của người đó cho mình cảm giác là có người nghe. Dần dần nhận ra rằng, mình nói cho hư không nghe dù có người bên cạnh, và không nói ra những điều trong tâm nữa. Lúc này mình thấy thật là cô đơn vì không ai hiểu mình và muốn tìm một người để chia buồn. Đôi khi gặp người trò chuyện và vô tình mình lại kể ra những chuyện không vui nhưng lúc này mình thấy rõ là họ không nghe mình, và mình thấy khi cằn nhằn như vậy mình nặng tâm hơn và mối tương giao giữa mình và người nghe xấu hơn. Khi đó mình mới nhìn lại tâm và cho qua đi những chuyện không vui và dần dần mới thấy mình quá chấp chặt và mình tự làm khổ mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thật ra có một người bên cạnh để chia sẻ vui buồn cũng đáng quý lắm ở cõi đời này. Nhưng nếu quen kể những điều không hay của người mình đang bực mình, lâu dần chính mình lại không thoát khỏi những nỗi phiền do mình càng buộc càng bền! Chúng ta nghĩ người bên cạnh chia sẻ, nên cứ kể mọi thứ với tâm "luôn quy tội cho người đang làm ta khổ" như vậy, thì cả hai người càng bị những "điều không biết xử" của người khác nhiễm vào tâm. Tâm chẳng chút vui vì càng lúc càng chứa nhiều những cái dở của người khác, đồng nghĩa bị "nhuộm" với những điều cho rằng "không hay của người".

      Để ý ra điều này, thì sống cạnh nhau, mới giúp nhau vui tươi, chia sẻ cách giải quyết chứ không phải chỉ để bạn mình nghe toàn lời trách móc, than van...

      Xóa
  5. Mọi chuyện cứ để trong tâm và tự mình tìm ra lối thoát đó là điều tốt cho bản thân.
    Nhưng theo mình nghĩ nếu có một người bạn thật sự hiểu và lắng nghe chia sẽ thì dể dàng trong cuộc sống này hơn.
    Bạn có nghĩ như vậy không?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng thường chúng ta không biết nuôi dưỡng tình bạn tốt đẹp, nên dần chỉ làm chính tâm mình không buông bỏ được những nặng nề, dù đã chia sẻ, nhưng chia sẻ chỉ để tạm nhẹ lòng, còn sự đau lòng hoặc phẫn hận vẫn còn đó. Bạn để ý kỹ tâm mà xem!
      Nên tình bạn giúp nhau tiến bộ, nghĩa là giúp làm nhẹ tâm thực sự.

      Lúc trước chúng tôi vẫn không nhìn ra điểm này, nên bạn bè đi uống cà phê, tâm sự, rất vui! Nhưng sau thấy tâm càn trì trệ thêm, gặp việc vẫn đùng đùng, rồi kể rồi chia sẻ... cứ thế mà trôi.

      Nếu bạn muốn thay đổi, tình bạn bền vững đúng nghĩa trợ giúp nhau qua những cơn khó khăn bên ngoài cũng như trong tâm, thì chính mình hiểu rõ những vọng động của tâm mình trước, bạn ạ.

      Xóa
  6. Bài viết hay thật! Rõ là khi có vấn đề với ai đó, mình luôn nghĩ mình đúng trăm phần, còn bao nhiêu cái xấu tệ đều thuộc về người kia hết. Rồi có đôi lần mình từng tuyên bố rằng nếu là Thánh thì cũng sẽ hành xử như mình. Cao ngạo như vậy đó!. Mình nói mình đúng vậy mà tâm cứ cắn đắn, hậm hực, chịu không nổi nên tìm người kể lể, thanh minh. Và rồi mỗi lần kể là mỗi lần nội kết càng thêm sâu dày, đặc quánh trong tâm. Đúng là chuyện gì rồi cũng qua nhưng cái nội kết ấy thì bao giờ nhỉ!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "nội kết" chỉ tan được khi "chất dung môi" đủ làm nó tan được. Chất đó chính là tâm tỉnh thức.
      Khi tâm chợt nghĩ đến những gì còn cắn đắng trong tâm, còn lưu dấu chưa nguôi, ngay đó nếu có chút ánh sáng tỉnh thức sẽ nghe lắng dịu.
      Chỉ vì chúng ta không nuôi dưỡng được ngọn lửa tỉnh thức để đốt sạch nội kết, nên cay đắng dằng dai mãi trong tâm.
      Nhưng khi biết được và dần dà thấm sâu, thì... sẽ có một ngày bất ngờ sáng tỏ được những gì đang thắc mắc.

      Xóa