Thứ Ba, 3 tháng 12, 2013

Một chữ buông!

Chúng ta thường thấy có những thư pháp viết một chữ BUÔNG.

Nhưng thật nghĩa cảm nhận về một chữ này rất khó. Vì chúng ta nói buông, nhưng thực chất thì chỉ cất đâu đó trong một góc tâm. Điều này dễ nhận ra khi có việc gì chạm đến điều chúng ta đã nghĩ là đã "buông", mới thấy điều đó vẫn y nguyên như vậy, phản ứng trong tâm cũng chưa thay đổi gì mấy, dù bảo đã buông, đã qua, đã quên...

Cho nên khi nhắc với chính mình là "buông đi" có nghĩa là việc  đó chưa thể cho qua được. Thực sự vẫn chưa cảm nhận được buông là thế nào. 

Sự đơn giản nhất với chúng ta BUÔNG chỉ là không nghĩ đến! Chỉ cần dừng suy nghĩ về một việc gì đó, gọi là buông. Khi có được thói quen (sự huân tập) về bớt nghĩ đến việc chúng ta đang đau khổ, bớt nghĩ đến, bớt vẽ thêm ảo tưởng cũng là một quá trình tu học lâu dài. Không thể chỉ hiểu mà có thể làm được ngay.

Bắt kịp những vọng động của tâm, chúng ta mới có thể dừng bớt suy nghĩ, bớt ảo tưởng... Bước đầu phải là giảm bớt tốc độ của liên tưởng, của tưởng tượng. Nếu dừng đột ngột ngay, như một chiếc xe thắng quá gấp khi đang chạy với tốc độ quá nhanh, thì trừ khi tài xế đại tài mới không gây ra sự nguy hiểm cho chính mình, và những người đang đi cạnh.


11 nhận xét:

  1. Buông! Nghe dễ quá, giống như ta đang cầm một vật gì trên tay, buông tay là rớt xuống, đâu còn gì dính lại trên tay mình đâu. Nhưng cuộc sống không như ta nghĩ, cũng chẳng giống với những gì chúng ta cầm trên tay, đúng không bạn?.

    Tất cả nằm ngay trong tâm mình, để buông bỏ những điều chướng làm cho tâm đã khó rồi, nhưng gì làm cho tâm ta cảm thấy thích thú... điều này buông hơi khó à nha.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính vậy mới cần sự hiểu rõ những vọng động của tâm đó bạn. Những việc này cho thấy rõ, phải tự mình thấu đáo mà thôi.

      Xóa
  2. Buông không có nghĩa là quên phải không bạn?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tùy cách nhìn của mỗi người, nhưng nghĩa gần nhất là trước mắt không suy nghĩ thêm để làm việc đang là gánh nặng trở nên nặng hơn cho tâm.
      Cho nên khi chúng ta buồn hay đang than thở về một điều làm mình tổn thương, đau buồn... thường được nghe nói: "thôi buông đi".
      Ở nghĩa này có lẽ chỉ là "đừng nghĩ tới nữa".
      Đây là điều đơn giản nhất có thể làm được, giúp tâm trí chúng ta bớt nặng nề về những gì khó quên, khó tha thứ, khó cho qua!
      Khi tâm tạm bình an, lúc đó mới đủ sáng suốt nhìn ra vấn đề lâu nay.

      Xóa
  3. Phàm là con người thì chữ "buông" khó bỏ, bởi trong sâu thẳm mỗi tâm hồn đều có sự hướng thiện, nên buông không đúng cách sẽ nguy hại hơn nhiều...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong phạm trù này có lẽ chỉ bàn đến dừng bớt buồn phiền thôi.
      Đúng như bạn nói, mỗi lời mỗi chữ đều có ý nghĩa nhiều mặt, tùy phạm trù chúng ta đề cập đến thế nào thôi.
      Chữ buông ở đây không có nghĩa buông xuôi, mà là một sức mạnh dừng những điều phiền toái đang bị tăng tốc bởi những suy nghĩ càng lúc càng tô đậm nỗi lo lắng, buồn phiền về ai đó. Có thể sự việc không đến nỗi như thế, nhưng vì cứ nghĩ theo chiều suy nghĩ của mình, nên thêm trách móc về những cách đối xử với nhau. Chúng ta bàn về mặt này để giúp tâm tư nhẹ nhàng hơn, và đời sống đỡ nặng nề một chút.

      Xóa
  4. Hãy sống với tâm hồn cao thượng, thánh thiện và thuần khiết, chân thật từ đáy lòng thì ta cảm hóa được tất cả. Cuộc sống ít suy tư, ít phiền muộn đó là điều ta luôn hướng tới.

    Khi tư tưởng đôi bên như hai mũi tên bay ngược chiều thì sẽ buông dễ thôi, trừ khi mình muốn cùng chiều...

    Trả lờiXóa
  5. Nhưng sự ngược chiều cũng gây rắc rối khó quên. Đôi khi chúng ta nghĩ đễ dàng cho qua sự xúc phạm của ai đó, nhưng khó qua, chính vậy mới cần hiểu tâm khó hiểu của mình.

    Trả lờiXóa
  6. Có thể nghĩ như vầy được không? "Buông" một sự việc, một ý nghĩ không nhất thiết là không nghĩ tới nó, nhưng là nhận thấy được nó không quan trọng hay có tác dụng quan trọng cho đời mình nữa. Không dám nói là nó "không thật". Chí rán nghĩ là nó chỉ là "chuyện nhỏ". Thí dụ mình đang giận hờn ai hay đang lo lắng một chuyên gì đó. Sau một thời gian mình thấy đúng là chuyện không đâu vì đời mình còn có chuyện quan trọng phải để tâm hơn..

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn đã biết đó, chúng ta luôn nhắc nhau như thế với những chuyện nghĩ đến chẳng đi đến đâu chỉ làm phiền tâm, nhưng rồi bao năm qua nghĩ tới vẫn không vui. Vậy nghĩa là chưa thật hiểu chữ Buông.

      Ở nghĩa rốt ráo, chỉ đến chỗ rỗng rang đó bạn.

      Nhưng tạm thời dừng bớt những suy nghĩ một chiều về những việc đã không còn lối nghĩ khác. Dần dà bạn sẽ bắt gặp nghĩa chữ buông nơi chính tâm mình. Nhưng bắt gặp cũng chưa xong, còn "bảo nhậm" nữa chứ!

      Khó là vậy, nên đôi khi chúng ta bận lo những chuyện khác mà lơi lỏng đi, nên rồi mọi thứ chỉ còn là kỷ niệm để kể cho nhau nghe!

      Xóa