Chủ Nhật, 8 tháng 12, 2013

Ít khi thấu hiểu

Bạn có để ý chúng ta thường có điều này trong tâm không?
Bạn có thể tự chê mình thế này thế kia, nhưng người khác không thể chê bạn dù một điểm nhỏ.
Chúng ta có thể khen một ai đó, nhưng nếu họ tự khen họ chúng ta sẽ không bằng lòng.

Để ý thêm về chính tâm chúng ta một chút, sẽ thấy, chúng ta có thể chọn một chỗ ngồi không tốt trên chuyến xe, chúng ta có thể hy sinh những gì thay vì mình có, cho người khác. Nhưng nếu bước lên xe bị sắp vào chỗ không tốt, trong tâm sẽ khởi không vui, khi bị bỏ quên chúng ta cũng không chịu được…

Khi nhận ra kịp những khởi nghĩ hay cảm xúc đó trong tâm, đó là sức tỉnh giác về chính mình. Bạn có thắc mắc vì sao tâm chúng ta thường như thế không? Nếu có, sự thắc mắc này sẽ thành sức phản chiếu những gì tâm khởi, dần hiểu ra những cái còn ẩn khuất trong tâm mà chúng ta ít khi kịp thấu hiểu chính tâm mình.

Khác biệt giữa sự thông minh hiểu ra và sức nhận biết là, dù thông minh hiểu mọi việc tới đâu cũng vẫn buồn khổ, nhưng sức nhận biết sẽ giúp tâm nhanh lắng yên.

Sẽ phải mất bao lâu để có được sự bén nhạy với tâm khởi?

Câu trả lời chỉ do chính chúng ta. 

13 nhận xét:

  1. Bài này thật hay và thật đúng tim đen của chúng ta quá nhỉ.

    Điều đó cũng có nghĩa là, chúng ta muốn tự do ngay nơi tâm, muốn làm theo sở thích và cảm hứng cho đến những việc chê mình. Nhưng không muốn "bị" người khác sai xử mình, đúng không?

    Đó là việc thường tình của một con người và một khi nó là chuyện thường thì chúng ta rất ít để ý đến những gì xảy ra nơi tâm chúng ta, chỉ có người có sức tỉnh giác cao mới nhận ra được những việc không tốt nơi tâm mình.

    Nhưng làm thế nào để nhanh chóng thoát khỏi sự khó chịu của tâm khi những điều đó xảy ra, "SỨC" nhận biết chỉ đủ thấy, nhưng làm sao để điều phục tâm.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chỉ e là không biết mà thôi, vì thường chúng ta cứ tưởng mình khiêm hạ! Còn ai kia mới cao ngạo...
      Thật ra biết được như thế là cả một tiến trình lâu dài, từ từ mới nhận ra trong tâm chúng ta kỳ quái như thế.

      Bạn để ý, khi chúng ta ngồi yên lặng trong đêm, tỉnh thì không ngủ, khi ngủ thì không tỉnh! Khi tỉnh ngủ, cũng chẳng gì cố gắng, chỉ vì tỉnh! Trừ khi quá buồn ngủ mà gượng tỉnh thì vất vả hơn, như đang mê việc gì quá mà bảo dừng lại thì chật vật vô cùng!

      Nếu thực sự nhận ra, tự nhiên nó dừng lại ngay lúc ấy, rồi khi mình không để ý nó mới khởi lại.
      Dần dà như thế, sự tỉnh nhiều hơn, điều phục tâm chính là sức tỉnh, chứ không gì khác.

      Đây là nói về sức tỉnh đối với một điều nào đó chúng ta đang bị nó khuynh loát.

      Chẳng hạn đang buồn ai đó, đang giận việc gì đó... Ban đầu hơi khó vì thói quen cứ nuôi ý nghĩ đó để nó cột mình càng lúc càng chặt, sau dần quen dừng niệm thì rõ ràng có đỡ hơn. Nghĩa là buồn chút thôi, khổ chút thôi, nhớ chút thôi, giận chút thôi...

      Được vậy cũng nhẹ nhàng trong đời sống nhiều rồi.

      Xóa
    2. Annhien xin cảm ơn nhiều.
      Vì trong cuộc sống chúng ta luôn luôn gặp những điều như vậy.

      Cho nên sức tỉnh giác cao thì mới nhận ra được điều đó, đồng thời cũng mới có thể bớt tổn hại cho tâm mình.

      Xóa
    3. "Bạn có thể tự chê mình thế này thế kia, nhưng người khác không "được" chê bạn dù một điểm nhỏ.
      Chúng ta có thể khen một ai đó, nhưng nếu họ tự khen họ chúng ta sẽ không bằng lòng."
      Vậy thì ta phải làm thế nào đây?

      Xóa
    4. Khi nhìn ra được điều này, tức là khi nó vừa chợt khởi chúng ta "biết" ngay tư tưởng đó đang ngự trị và khuynh loát khiến chúng ta mê mờ như bị một thuốc mê. Nghĩa là những suy nghĩ và hành động sau đó như người trong mê, như từ trước đến nay vẫn vậy.

      Khi bạn bắt kịp tư tưởng này, tức là bạn đã có sức tỉnh. Sau đó thì thế nào? Thật tình mà nói, chẳng cần làm thế nào hết, nó tự động rơi xuống, chỉ còn chút máy động đau lòng nếu bị người chê, nếu bị giành chỗ, nếu bị mất mát... Rồi vì không được sự tiếp nối của tư tưởng về điều đó, Tâm dần dịu lại.

      Ngày khác sự việc khác tương tự sẽ khởi, nhưng nếu bạn đã biết, thì tâm nhanh bình thản.

      Đây là sự thật bạn ạ. Tuy nghe nói hơi khó tin, nhưng nếu đã thực sự làm, bạn sẽ không ngờ chính mìnhcó khả năng tự làm giảm bớt nỗi khổ trong tâm, tự mình dừng được những quay quắt khổ sầu do va chạm thương tổn bản ngã mà người khác đem đến.

      Xóa
  2. @Annhien Nguyen; bạn xem thêm phần viết thêm cho Nui Das nói rõ hơn.

    Trả lờiXóa
  3. Không ai vì lời khen mà lớn lên, không ai vì lời chê mà nhỏ lại.
    Một trong những bách gia chư tử đã đúc kết, đại ý rằng: Người chê ta mà chê phải thầy của ta, người khen ta mà khen phải là bạn của ta, nhưcng kẻ vuốt ve nịnh bợ chính là kẻ thù của ta vậy (Tuân Tử).

    Lời đúc kết này hiếm khi sai, tuy rằng ý thức hệ có khác nhau, nhận thức của mỗi người cũng không nằm ngoài quy luật của thế thời.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn, những trao đổi nơi đây chỉ nhằm để hiểu tâm tư chúng ta, giúp chúng ta vượt qua những khó khăn trong tâm.
      Mọi suy nghĩ đều nhẹ nhàng và giúp nhìn lại chính mình mà thôi.
      Chúng tôi luôn ghi nhớ lời dạy, "trước mắt tôi không có kẻ thù, chỉ có người bạn đã thông cảm và chưa thông cảm" mà thôi.

      Xóa
  4. Lời nói thật như vết dao cắt, không mấy ai muốn thụ hưởng.
    Đọc lời cổ nhân dạy cốt để răn mình, soi lại mình sống cho phù hợp với chuẩn mực đạo đức xã hội, hướng tới sự hoàn thiện dần về nhân cách tiến tới "Chân-Thiện-Mỹ".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Sau này bạn sẽ nghĩ lại những gì chúng ta nói với nhau hôm nay.

      Xóa
    2. Vâng. Sẽ còn có ngày mai,

      Xóa
  5. A! Cái này nhìn lại mình mới thấy tức cười. Thật ra mình "khiêm tốn" không phải là thấy mình thấp hơn người thật tình mà mình thật sự muốn người ta thấy mình "cao" nhưng mà mình "khiêm tốn". Mình muốn mọi người thấy mình có chỗ tốt trên xe nhưng nhường cho người khác. Như vậy cái vụ "khiêm tốn" và "nhường nhịn" này coi lại chắc là "không xong" rồi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chính vậy, mới phải nhìn lại mình, phải không bạn.
      Rất nhiều chuyện buồn cười cho chính tâm chúng ta, mà chưa có dịp nhìn cho ra.
      Nên chúng ta thường được nhắc "phản quan tự kỷ bổn phận sự!" là vậy.

      Xóa