Thứ Năm, 5 tháng 12, 2013

Chỉ trên sự hiểu

Những gì chúng ta hiểu, chưa phải là xong, đến khi gặp việc, nếu cái hiểu kia chẳng dùng được, thì rốt cuộc kể như chưa hiểu vậy!

Có những từ rất đơn giản, như "nhân quả". 
Lý này đơn giản dễ hiểu, hễ gieo nhân thì có quả, nhưng sự hiểu này chỉ để an ủi người. Còn chính mình, khi gặp việc thì loay hoay chờ người khác đem lý nhân quả ra an ủi.

Hằng ngày cuộc sống đều gởi đến chúng ta nhiều bài trắc nghiệm. Nếu cứ mãi trách móc cách đối xử của ai đó, là biết rằng mình chưa hiểu gì về nhân quả. Sự hiểu chỉ trên trí thông mình, nên khi gặp việc không thể biết rằng, không phải khi không mà sự việc như thế.

Chỉ lắng tâm nhìn tâm trách móc của mình dành cho người là biết chính mình chưa ứng dụng vào đâu được những hiểu biết. Sự thông minh giỏi giang chưa giúp tâm bình ổn trước đôi việc đơn giản.

Khi sự hiểu thành ứng dụng thấm sâu, sẽ giúp mình nhanh chóng bình tâm, vì biết rằng mình đã thế nào, mới gặp việc thế này! Tâm thanh thản nhanh hơn.

6 nhận xét:

  1. Nhân quả tức thời trong kiếp. Thôi hãy thanh thản đi.
    Cảm ơn bạn, bài viết thật chí lý.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, càng trách móc nhau chỉ làm sự việc nặng nề thêm. Thật ra chúng tôi cũng buồn phiền đau khổ rất lâu, mới dần thấm sâu bài học và hiểu ra!
      Khi hiểu ra tự chỉnh sửa nơi mình, mọi việc dần dễ chịu hơn.

      Xóa
  2. Khi hiểu được vấn đề thì sẽ giải quyết được vấn đề. Sự hiểu là hữu hạn, cái biết mới là vô hạn. Tôi rất thích câu chuyện về "ngón tay chỉ trăng".

    Lý thuyết nói thì dễ nhưng khi thực hiện mới là việc còn phải nói nhiều

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thực hiện được thì không nói nhiều bạn ạ. Vì chúng ta chưa thực hiện được nên thế.

      Xóa
  3. Kinh nghiệm bản thân cho thấy mình phải tập áp dung "nhân quả" từ từ với những bất bình nhỏ. Sau này quen dần sẽ thấy cuộc đời dễ chịu hơn.
    Nhưng nghĩ sâu hơn một chút, nương vào nhân quả là còn muốn có "công bằng". Gặp chuyên bất như ý thì nghĩ là mình trả quả cho những việc làm từ trước. Nghĩa là vẫn còn cái suy nghĩ "kèn cựa", dầu rằng chỉ "kèn cựa" với chính mình. Nhưng nếu không nghĩ "nhân quả" thì phải làm sao?
    Mới đọc được bên trang thân hữu:
    Tăng hỏi Vân Môn: Khi lá rụng cành khô thì thế nào?
    Vân Môn đáp: Thân bày gió thu
    Không biết ý Tổ như thế nào? Chỉ nghĩ một cách thô thiển để áp dụng trong trong trường hợp này là làm sao tập được cách sống "ung dung trong hệ lụy" như một vị thầy đã dạy. Lá rụng hết thì "thân bày gió thu". Sự việc có xãy ra thế nào cũng được, không sao!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn để ý được một điểm đó là "Nhưng nếu không nghĩ "nhân quả" thì phải làm sao? "
      Nhân quả chỉ là bước đầu, để giảm tâm trách móc người, vì thường mình cứ thấy người xử không tốt, không công bằng với mình, mà ít khi nhìn ra mình đã thế nào khiến người xử với mình như vậy.

      "Nhân quả" để nhắc mình nhìn lại mình! Nhìn lại mình mới là điểm chính, khi có thói quen quay lại tâm mình, sẽ dần thấy, mọi sự ở chỗ do lầm chấp. nếu ngay bước đầu nói liền là "lầm chấp" rất khó nhận ra.

      Khi nhận ra sự lầm chấp của mình, thì dễ để xuống hơn, như mùa thu đến lá rụng!
      Khỗ một nỗi, đến đây thì mãi lo việc lá rụng, mà lại không để ý "thể lộ kim phong". Tại vậy mà chúng ta còn gặp nhau đây. Để nhắc nhau những gì chúng ta cùng có mà đã quên !

      Xóa