Chủ Nhật, 22 tháng 9, 2013

Vết rạn

Một chuyện không theo ý, bạn cho qua được, hai chuyện rồi ba chuyện không theo ý.
Người ta gọi là giọt nước làm tràn ly. Bây giờ bạn không dừng được nữa. À không! Chúng ta không dừng được nữa.

Bao nhiêu công sức hòa hoãn, sụp đổ trong tích tắc. Sự quý mến của những người chung quanh, một thoáng bị lay động, như chấn động của một cơn động đất nhẹ. 

Mọi thứ sau đó có thể bình thường, nhưng sự rạn nứt trong lòng đất đã có, sự rạn nứt về niềm quý mến trong tâm đã có.

Nếu chúng ta là một người đang có giao động như thế trong tâm, bạn hàn gắn hay thế nào? Có cách nào xóa vết rạn nứt ngầm đó chăng?


8 nhận xét:

  1. Giọt nước của bạn làm tràn cả cộng đồng quanh bạn? Cũng có thể như vừa qua một cơn địa chấn. Nhưng sự việc thường tùy vào hoàn cảnh nơi mình sống, tùy vào những tình cảm chúng ta đã gieo trước đó.Có thể chỉ là một chút giao động, chưa rạn nứt trầm trọng lắm.
    Có những sự việc mình nghĩ rằng sẽ rạn nứt mãi mãi tình thân đó, nhưng thật may mắn, thời gian trôi đi, mọi việc cũng trôi qua, và giờ đây mình đã bình tâm lại. Chúng ta hãy sống,hãy cứ làm việc, vết thương nào rồi cũng sẽ lành, tuy nhiên vết sẹo có liền lại hay không là do chính cơ địa của mỗi chúng ta.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. "tuy nhiên vết sẹo có liền lại hay không là do chính cơ địa của mỗi chúng ta."
      Vâng, do chính mỗi người mà sự việc sẽ như thế nào. Nếu chúng ta cho qua được, thì quả là cuộc sống vẫn còn niềm tin về nhau..

      Xóa
  2. Có lẻ là mình phải tự hỏi lại mình cái gì là quan trọng trong đời mình. Nếu là sự an bình yên thì những rạn nứt sẽ lành sớm, cò quan trọng quá về hơn thua thì rạn nứt sẽ bể.
    Như muốn có sự bình yên thì đổ vở cũng cần sãy ra một vài lần đễ mình học được cái quý của bình yên. Nếu không thì mình cũng không biết bình yên là gì.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn có ý hay, nếu chúng ta luôn muốn tâm bình an thì mọi sự dần lành.
      Chuyện gì đến cũng là bài học cho tâm của chúng ta, giúp chúng ta hiểu rõ chính mình hơn, bạn nhỉ.

      Xóa
  3. Trong cuộc sống, mình đã gặp nhiều "rạn nứt" với nhiều người.
    Ngày trước thường hay phản ứng lại nhiều khi cũng gây căng thẳng....sau này được sự nhắc nhở thì thấy mình bình tĩnh hơn xưa, nhưng tự trong tâm thì vẫn thấy còn thương tổn.....rồi mình suy nghĩ, hồi tưởng lại thì thấy đúng là chuyện chả có gì để mà ầm ĩ, tại sao lại tự mình buộc mình vào.
    Rồi thấy bớt hẳn phiền muộn.
    Nhưng đúng là vẫn còn cần thời gian để bình tâm, vì vẫn chưa thấy tâm sáng suốt lúc "giọt nước cuối cùng làm tràn ly". Thật tình mình chưa biết phải làm thế nào lúc đó.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi chúng ta nhận ra rằng bất cứ vết rạn nào, dù cho ai gây nên cũng làm tâm mình thương tổn bởi vết rạn đó. Có lẽ lúc đó sẽ dần bình tâm nghĩ lại một cách sâu sắc như bạn nói " tại sao lại tự mình buộc mình vào". dần dà, mọi thứ chín muồi trong tâm, và tự nhiên nhẹ lòng bạn ạ.

      Dĩ nhiên tâm cũng chịu đôi chút thương tổn đớn đau ngay lúc tưởng chừng khó mà quên, khó mà tha thứ. Nhưng nhờ những nhắc nhở của chính mình và người chung quanh, chúng ta sẽ rõ cách giải quyết tâm mình. Để sau đó nhìn ai cũng nghe nhẹ lòng hơn mình nghĩ.

      Còn ngay lúc đó, thì chuyện này đúng là tùy sự thất vọng ở đối tượng nào, vì thói quen gán gia trị cho từng đối tượng, nên sầu khổ nhiều hay ít do chính mình là vậy đó bạn. Đặt hy vọng càng cao, niềm tin càng lớn thì sự thương tổn cũng ngang tầm với sự cao lớn đó. Câu hỏi tiếp sẽ là có khi nào đặt niềm tin cao, nhưng nếu trái ý thì đừng thất vọng sâu xa được không. Câu hỏi tiếp rất thú vị cho tâm của chúng ta. Sẽ bàn vào đề tài lần tới, bạn nhé.

      Xóa
  4. Mình muốn chia sẻ một câu chuyện của mình. Trước đây, mình rất quý một người. Và vì quý trọng, nể phục nên mình đã ca ngợi. Sự ca ngợi đó của mình xuất phát từ tấm lòng nhưng lại vô tình làm người đó phật ý. Sự việc diễn ra vượt quá ngoài suy nghĩ của mình. Mình không ngờ người ấy lại phản ứng mạnh như vậy. Cuối cùng, mình nhận lỗi và xin lỗi người ấy. Cho đến bây giờ, cũng gần 7 năm, mình vẫn một bề kính trọng người ấy. Song, bao giờ mình cũng rất cẩn trọng, dè chừng, không bao giờ gần gũi, hay thân mật. Có một khoảng cách vô hình đã được tạo ra. Bởi lẽ, mình sợ cái cảm giác bị tổn thương một lần nữa. Vì vết rạn cho dẫu có được "dán" lại cho lành thì vẫn còn để lại một vết sẹo. Mà nếu đó là vết rạn ở trong tim thì lại càng khó lành. Và nếu cứ vô tình khơi lại, hoặc khoét sâu thêm thì nó sẽ chẳng bao giờ liền da và lúc nào cũng ngoác miệng...

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thường thì chúng ta đều cẩn trọng và dè chừng sau đó, để tránh tổn thương cho nhau.
      Vấn đề là tâm mình, và nghĩ thế nào để cẩn trọng, nhưng không quá như vết thương còn đau.

      Dĩ nhiên mình cũng tránh như bạn, nhưng hiểu rằng trong cuộc sống người làm tổn thương mình chỉ vì mình làm tổn thương người trước.

      Cái tránh không phải là tránh người đó, mà thế nào để tránh gây tổn thương cho nhau (ý mình nói những việc về sau, hay với những ngừơi khác). Nhưng thường chúng ta thấy mình đúng nên làm ngay những gì mình nghĩ là đúng và hầu hết những gì chúng ta nghĩ, đều không như ý người.

      Chuyển biến của tâm rất tế nhị, nên lắng tâm mới dần hiểu rõ chính mình. Và may ra lúc đó vết sẹo nếu chưa mất hẳn thì cũng mờ nhạt.

      Xóa