Chủ Nhật, 29 tháng 9, 2013

Đâu là chân tường

Biết bao lần chúng ta đối diện với những sự buồn rầu, chỉ bởi một lời nói quá giới hạn của ai đó.
Không ai biết đâu là chân tường, và cũng đâu ai muốn mình là giọt nước cuối để đưa đến đổ vỡ.
Vì sao, có lẽ chỉ vì giới hạn đó nằm trong tâm người, và sự quy định của người nên chúng ta không biết.

Chúng ta chỉ có thể biết tâm mình, biết giới hạn mình đặt ra cho người, nhưng thật sự chính chúng ta cũng chưa biết lúc nào mà người đối diện nói câu gì đó khiến thân tình đổ vỡ.

Chỉ vì điều đó vô hình, nó thuộc bóng dáng mà mắt chúng ta không nhìn ra được. Dù điều đó nằm trong tâm chính mình. Bạn có lạ vì sao không. Lỡ lời, nghĩa là không định nói, nhưng thói quen hay nói đi trước sự tỉnh giác, nên nói buông ra một lời nói gây thương tổn cho nhau.

Người càng thân thì càng dễ có phút bất ngờ này, vì chúng ta thường ỷ y vào tình thân, và nghĩ rằng không có gì xảy ra! Nhưng cuối cùng thì có xảy ra.

Đôi lúc có những việc đơn giản, nhưng khi nghĩ đến không biết nên xoay sở thế nào!

Nếu bạn đang ở trong cảm giác bị thương tổn, tìm cách cho vết đau dịu lại cũng mất đôi chút thời gian. Nếu bạn là người gây ra sự thương tổn cho người trước mặt, thì ngoài lời xin lỗi, thì chúng ta còn làm gì được?

6 nhận xét:

  1. Đúng như những gì đã nói ở bài viết.
    Mình đang trong cảm giác bị tổn thường. Vì những vấn đề trong cuộc sống có quá nhiều mặt. Đối với người này người kia. Làm vừa lòng người này thì bận lòng người khác. Nên dễ gây tổn thương cho nhau.
    Đôi lúc có những việc mình nghĩ đơn giản như không thể nào giải quyết ôn thỏa được!
    Nếu mà lời xin lỗi có thể bỏ qua được tất cả mọi điều thì hay biết mấy!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Một lời xin lỗi cũng rất khó nói cùng nhau, khi sự thương tổn bởi những người chúng ta tin tưởng.

      Nhưng khi bình tâm lại, mình nghĩ rằng, điều cần giải quyết trước nhất là tâm mình, khi tâm mình dịu lại, thấy rằng chỉ do quan niệm khác nhau. Quan niệm mình, mình khó sửa đổi thì bên kia cũng vậy.

      Khi tâm đã dịu lại, có thể mỉm cười, tuy chưa qua hẳn, nhưng bắt đầu tự giúp tâm chúng ta bình an, có thể làm thinh ở những lúc cần làm thinh để mọi chuyện trôi qua. Bạn có nghĩ thế chăng.

      Xóa
  2. Nếu bị tổn thương, phản xạ đầu là muốn dẹp nó đi, hai là phải làm gì cho bên kia phải bị tổn thương bằng mình hoặc hơn lại cái đã. Tuy thật lòng xin lỗi mà đối phương không chấp nhận thì cũng chịu chớ biết sao bây giờ, phải không bạn? Những lời khuyên trên thật là khó cho một người chưa từng có có cơ hội nhìn lại mình.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nhưng chúng ta đang tự nhìn lại mình, và cũng thầm biết mọi sự trong tâm có thể thay đổi đôi chút với cái nhìn của mình. Việc nặng hơn hay nhẹ hơn do chính chúng ta đôi chút tự giúp tâm mình dịu lại giữa những sự việc luôn không như ý mình muốn.

      Xóa
  3. Mình cũng vừa gặp một trường hợp "lỡ lời" khiến mình cảm thấy rất hụt hẫng. Mình băn khoăn tự hỏi, vì sao người đó lại có thể thốt ra 1 lời nhận xét về mình với người khác như vậy? Trong khi đối với mình, người đó là một người mà mình rất kính trọng. Mình tự trách mình, giá như hôm đó, lúc đó..., mình đừng bước vào đúng lúc người ấy buông lời nói thì đã tránh được sự ngỡ ngàng cho cả hai. Giờ không biết đối mặt với nhau như thế nào? Giọt nước này không hẳn làm tràn ly nhưng đã tạo ra một khoảng cách khá xa, e ngại và dè chừng....

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Ban đầu là vết thương nên có đau đôi chút. Sau đó nặng thêm hay lành lại tùy chúng ta. Nếu lúc đó nghe nói lời không hay về người khác thì sao? Thì cũng là sự hụt hẫng, vì mình không chấp nhận người mình qúy trọng là một người tầm thường như mình!

      Thật ra mọi việc xảy đến cho chúng ta chỉ để nhắc một điều, là chúng ta chưa nhìn thấu được vấn đề nơi chính mình. Chúng ta luôn bắt người khác vào cái khuôn chính chúng ta đổ sẵn!

      Cảm nhận sâu điều này, mới thấy nhẹ lòng nhiều bạn ạ.

      Xóa