Thứ Năm, 8 tháng 8, 2013

Bên nay - bên kia

Đôi khi chúng ta nghĩ rằng sẽ giải quyết được mọi chuyện với tâm tốt của mình.

Và ai cũng với tâm vì người, cũng hết lòng nhường nhịn nhưng kết quả thì ngược lại. Có lẽ chúng ta đôi lần thắc mắc sao người bên kia cố chấp như thế, mình đã xuống hết nước mà vẫn khư khư không chấp nhận thiện chí của mình.

Nhưng thử để ý một việc nhỏ, khi chúng ta nhường nhịn, nghĩ rằng bên kia sẽ hiểu, nhưng bên kia nghĩ sao? Bên kia cũng nghĩ y hệt như mình. “Đã hết sức nhường nhịn, mà cũng chưa vừa lòng!”… và cứ thế, chiến tranh lạnh leo thang, đến lúc thang hết bậc để leo nữa thì cả hai đều bị tàng hình trong mắt đối phương.

Mọi việc chỉ có thể mở ra, nếu một trong hai, cả hai thì quá quý, hiểu rằng, mình nhường theo ý mình, chứ không phải theo ý bên kia, nên làm sao bên kia chấp nhận được. Và rõ ràng, chúng ta không đủ sức nhường như bên kia mong muốn.

Hiểu được như vậy, mới biết rằng thật ra chúng ta không nhường gì hết! Vấn đề vẫn là chính mình không gỡ được những chấp cứng nơi tâm mình! Có lẽ hiểu chính tâm mình, là điều cần thiết trước khi đi tìm giải pháp.


Còn tâm người bên kia, há chẳng chúng ta luôn than thở rằng “thiệt chẳng biết sao mà hiểu cho được!”. Mà thực ra bên nay hay bên kia gì cũng vậy!

5 nhận xét:

  1. Khi nhường nhịn đến quá mức giới hạn, nếu không bùng nổ thì chỉ còn có sự chịu đựng mà thôi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bài viết chỉ để nói về những biến chuyển trong tâm trước những sự việc gần giống nhau của chúng ta. Khi cảnh khó mà vui vẻ nhường nhịn, thì chỉ còn chịu đựng như trăm ngàn cảnh ngộ đắng cay trên đời.
      Khi chưa thể thay đổi hoàn cảnh, nếu biết, có thể giảm những nỗi khổ trong tâm. Bởi hiểu rõ, nếu chúng ta là bên kia, cũng chưa biết có thể khác hơn không, khi một người không làm theo ý mình, họ chỉ thể hiện sự chịu đựng, nhưng chấp nhận ý mình thì không.
      Nỗi khổ riêng trong tâm là điều chúng ta có thể giảm nhẹ, trước khi hoàn cảnh có thể đổi thay.
      Và chúng tôi chỉ luôn nói đến những gì chúng ta có thể làm để giảm bớt áp lực đang quá nặng cho tâm.

      Xóa
  2. Khi có va chạm xảy ra, đa phần, mình thường lùi một chút. Cái "lùi" này có khi là do mình thấy được lỗi của mình, cũng có khi là do mình muốn nhịn một chút cho yên ả vì tính mình không thích gây gỗ, đôi co, chứ không hẳn là mình đã phục người bên kia về việc làm, thái độ, hay lời nói... Cho nên, có những lúc cái nhịn của mình lại gần như là một sự phản ứng của thái độ "sao cũng được", "kệ đi". Vì vậy, đôi khi, mình cũng chẳng để ý xem bên kia có có chấp nhận hay có "xuống nước" với mình không. Nhiều người bảo, "nhẫn" là "nhục", nhưng mình không thấy vậy. Mình thấy "nhẫn" là một sự an toàn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Hình như đó không phải nhẫn! Thái độ đó làm bên kia còn tức hơn.
      Chúng ta hiểu rõ hơn thế này, ai cũng muốn được tuân phục. Cho nên dù chúng ta có làm thinh, nhưngg thái độ “coi thường” là điều gây cho bên kia tức tối. Chúng ta cứ nhìn tâm mình khi gặp một người có vẻ như nhường nhịn mình, nhưng thái độ họ quả là coi thường mình, nhưng vì không muốn đôi co lớn chuyện chẳng hay ho gì, bạn thấy đó, mình sẽ tổn thương biết bao!
      Đời sống khó khăn cho nhau, ở chỗ chúng ta không hiểu rõ phản ứng của mình. Chính vậy sự nhẫn nhịn bao gồm sự phẫn hận trong đó, nên làm mất đi ít nhiều cái hay của chữ nhẫn! làm sao hiểu được “vô sanh pháp nhẫn”!
      Chính vậy nhẫn nhịn mà không giữ hòa khí được là vậy.
      Mong bạn hiểu rõ tâm mình, để sau này khi cần nhường nhịn, mới cảm thấy đó là “lẽ đương nhiên” tâm có chút vui hòa mới mong, cải thiện mối tương giao phần nào.

      Xóa
    2. Khoảng thời gian này mình hơi bận với công việc riêng. Nhưng vẫn tranh thủ những lúc rảnh hiếm hoi để ghé thăm "nhà bạn". Đọc những bài bạn viết, được chia sẻ cùng bạn, với mình, đó không chỉ là niềm vui mà còn là những bài học vô giá.

      Xóa