Thứ Bảy, 29 tháng 6, 2013

"Dội ngược"

Trong đời sống ít nhiều gì chúng ta cũng từng bị “dội ngược”.
Em đang ủ dột vì trạng thái bị dội ngược này. Tai sao nhiệt tình đến vậy mà gặp một sự im lặng lạnh lùng đến vậy!

Ngẫm nghĩ vì sao mình luôn bị ‘dội ngược” bởi lời nói hay thái độ của người đối diện, của một tin nhắn, của một cú điện thoại… Có lẽ tại mình không nghĩ rằng người đó có thái độ như vậy với mình!

Có một điều mình quên để ý là, có ai đã từng bị dội ngược vì thái độ thiếu thiện cảm của mình, vì gương mặt lạnh lùng của mình, vì giọng nói cộc lốc của mình, vì thái độ gạt ngang của mình….

Mình chưa từng hỏi thế bạn nhỉ, mình cứ thấy bị dội ngược, rồi đau buồn, thất vọng… nếu mỗi lần tâm tư ở trạng thái nào, mình nhận ra ngay mình đã từng thế với ai đó, ít ra mình cũng chỉnh sửa được đời mình.

Còn sự việc đang xảy ra thì sao? Điều này cần thời gian tập tành lâu hơn, mình sẽ nhận thấy rằng, chỉ trong phút giây nào đó, mình mới gặp trạng thái này, còn bình thường thì vẫn vui vẻ cạnh nhau mà.

Tuy chúng ta nhiệt tình, nhưng “xông vào” giúp đỡ ai đó không đúng lúc, hoặc việc mình làm không đúng ý họ, chỉ đúng ý mình thôi. Và mình nhất định làm theo ý với danh nghĩa giúp cho họ. Gặp phản ứng mình trách móc họ, bởi mình làm cho họ mà kết quả thế này, mai mốt, đừng hòng!...

Tất cả mọi việc gây cho chúng ta thương tổn, một chút bình tâm quán sát lại, sẽ biết mình nên dừng cái bắt người khác phải theo ý mình, bắt người khác phải để mình lo theo ý mình!

Sự “dội ngược” chỉ là mọi sự khác với ý định vẽ vời trong tâm chúng ta mà thôi. Chẳng hạn mình đem tặng bạn một món quà, nhưng gặp phản ứng thờ ơ, mình cũng bị dội ngược. Chúng ta muốn người nhận phải tỏ thái độ chấp nhận!

Bạn để ý sẽ thấy chúng ta đều khăng khăng cho mình là có lý, dù cho chung quanh phản bác! Cho nên người làm mình “dội ngược”, đương sự đó vẫn thấy họ rất có lý, còn mình đúng là “đáng” được đối xử như vậy!


Chỉ quan sát tâm mình, biết chính mình, làm chủ được những cảm xúc, bất bình, vui vẻ… từ từ giảm bớt cường độ, thì mọi việc dễ thở hơn, có buồn chút đỉnh rồi thôi! Tâm tư nhanh an định, mình mới đủ sức mà hăng hái nhiệt tình trong mọi sự bạn ạ. Chỉ mong chính chúng ta đừng mất bình tĩnh mà làm ai dội ngược, thì cũng là điều đáng trân trọng lắm rồi.


10 nhận xét:

  1. Nếu sự việc xảy ra không như ý mình muốn thì chỉ "thất vọng" thôi. Nhưng nếu người đối xử không như mình kỳ vọng thì "dội ngược". Như vậy có gì khác giữa sự việc và người? "Tình thức" với người sâu đậm hơn sự việc?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng rồi đó. Mình cũng thấy như vậy. Sự việc bất như ý thì mình chỉ thất vọng hoặc buồn rồi thôi. Còn thái độ, cái cư xử của người đối với mình mới khiến mình bị "dội ngược". Mà có người làm mình dội gần, còn có người khiến mình dội rất xa.

      Xóa
    2. Hai bạn ch3 và TT ! Khi mình bị dội xa thì phải hiểu ngay, mình đã làm gì đến nỗi họ phải hạ "tử ngữ" khiến mình văng xa thế.
      Cách cư xử hình như cũng chính là sự việc đấy. Vì người khác xử với mình qua sự việc. Trên sự việc mà người đó có thái độ.
      Nhưng hai bạn đế ý nhé, vì mình làm cho đương sự mất cảm giác an toàn, vì sự an toàn của chính đương sự, nên mới nói hoặc cư xử khiến mình bị bất ngờ! Hai bạn ngẫm nghĩ lại xem, trong sâu xa có phải thế không.

      Xóa
    3. Khi bị dội xa hay dội ra gì đó, khó mà bình tâm để xem mình đã làm gì, trạng thái đầu tiên là bị "sốc" tiếp theo là chạm tự ái, và luôn muốn bên kia phải xin lỗi vì đã có thái độ không phải với mình.
      Nhưng nhờ thường xem lại ý nghĩ và hành động, nên mình cũng thấy thái độ từ trước đến giờ chỉ chuốc thêm phiền và bực bội mà thôi.
      Hay nhất thì như bạn nói, thử xem mình đã nói gì, làm gì khiến người đối diện phải làm cho mình "dội ngược" vậy.

      Xóa
  2. “dội ngược” chỉ là một trạng thái đối nghịch giữa ta và người khác mà thôi. Chính vì vậy ta nên lường trước mọi sự việc, cẩn trọng trong mọi hành động cũng như lời nói để giữa ta và người khác ít bị “dội ngược” hơn trong đời sống hàng ngày.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu được vậy thì quá quý, nhưng khó lường tâm người! nên có lẽ vẫn bị "dội ngược". Nhưng điểm đáng để ý là, khi bị như thế, ta làm thế nào để lấy lại thăng bằng cho tâm.

      Xóa
  3. Trong cuộc sống máy ai mà không bị người khác “dội ngược” ít nhất vì mình một lần. Điều đó khiến chúng ta cần phải tĩnh thức hơn trong từng suy nghĩ, hành động, cũng như trong từng lời nói của chính mình. Để có thể giúp chúng ta hoàn thiện hơn.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta nhắc nhau có thói quen thường tỉnh. Hạn chế được những lời nói hay hành động khiến gây đau lòng cho nhau.
      Chứ còn trong từng suy nghĩ... điều này còn đang quá sức chúng ta.

      Thường các Bậc Thầy nhắc chúng ta tỉnh thức từng lời nói... (như câu tục ngữ "uốn lưỡi bảy lần rước khi nói" vậy) để nhắc đây là điều mình cần lưu ý. Khi thực hành, chúng ta mới thấy điều này còn cần nhiều "công phu" lắm, phải không bạn.

      Xóa
  4. Mình cũng nghĩ như bạn nói, vẫn thường để ý nhưng đúng là quên nhiều hơn nhớ, thường phản ứng rồi mới nhớ!
    Nhưng khi có để ý, công nhận có đỡ hơn phần nào đó, đỡ làm người thương tổn vì thái độ hay lời nói của mình, vì có để ý nên kịp làm thinh hay dừng kịp thái độ bất bình ra mặt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúng ta thường nghĩ về mình nhiều hơn người, lo bảo vệ mình mà không nghĩ rằng nói những lời đó là đưa đến đổ vỡ tương giao.

      Mọi thứ thường bắt đầu từ cơn nóng, mất tự chủ nên đưa đến việc gây cho nhau những bất ngờ.
      Giống như một căn phòng có nhiều cửa, biết được cửa nào cũng vào trong nhà được. Những gì trao đổi mấy hôm nay là những cánh cửa, lúc nào vào được, thì lúc đó là "thức tỉnh" quan sát được những giao động của tâm, có thể trời yên biển lặng ngay lúc tưởng chừng sóng gió.

      Xóa