Thứ Năm, 14 tháng 11, 2013

Thực chất nỗi buồn

Nghe một bản nhạc buồn, đọc một truyện buồn, xem một phim buồn… Bạn nghĩ rằng phim, truyện, nhạc làm mình buồn.

Nếu Bạn đang có nỗi buồn nào đó. Im lặng. Thì nỗi buồn kia được gán cho phim cho nhạc. Thực chất đó là nỗi buồn của bạn!

Phim, truyện và nhạc… chỉ nói lên dùm bạn là bạn đang buồn!

Có những góc tâm rất tế nhị, nếu không nhìn ra, thì thật khó mà gạn được nỗi buồn đang chìm trong tâm chính mình. Sự tương ưng của phim nhạc truyện là nói lên dùm điều mình muốn bày tỏ, nhưng không biết sao nói được, bởi có những điều trong góc khuất và chính chúng ta cũng không biết rằng những điều đang xảy ra, khiến có nỗi buồn như vậy! 
Vì mình không tin rằng điều đó có thể va chạm được tới tâm tư mình!


Có những điều cũng rất bất ngờ khi chúng ta chợt bắt gặp trong tâm bạn nhỉ!



10 nhận xét:

  1. Vậy phải làm sao đây để cho nỗi buồn được khuây khỏa. Trốn chạy hay đối diện?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ chúng ta đã từng trốn chạy, đã từng đối diện. Nhưng trốn chạy vào những lối thoát còn nguy hiểm hơn, và hậu quả của nó đúng là đắng chát sau đó. Còn đối diện, chỉ tăng thêm phiền bực, vì thực ra chúng ta không đối diện mà chúng ta giải quyết để mình được an ổn (còn đối tượng, thì ...)

      Qua nhiều lần như thế, chúng tôi dần hiểu, chỉ có sự hiểu rõ tâm mình, hiểu vì sao mọi việc đến nước này, vì sao có nỗi buồn đắng cay như thế, có niềm đau khó thốt nên lời.
      Sự tỉnh giác để biết rõ vì sao như thế mới có thể có một câu trả lời cho chính chúng ta. Có lẽ chỉ vì thời gian qua, chúng ta quá sức mê mờ chấp rằng mọi thứ là của mình! Mọi ý muốn cần được như ý. Bây giờ tất cả đều không, nên làm sao chúng ta chấp nhận được.

      Thói quen hiểu được con đường mòn của một tâm rối ren, cần sự nhiệt tình khám phá về chính mình. Đó là cách hay nhất để giải quyết mọi thứ tận gốc rễ, nếu không chỉ chữa cháy tạm thời, rồi đâu cũng vào đấy như bao nhiêu năm đi qua.

      Bất cứ lãnh vực nào về kỹ thuật cũng mất nhiều năm mới sử dụng nhuần nhuyễn. Tâm vốn không hình tướng, muốn rõ được có lẽ cần kiên nhẫn lâu hơn một chút.

      Xóa
  2. Khi buồn quá thì dễ rơi vào trạng thái tiêu cực. Vậy nên cần có một sức mạnh tinh thần khác mới có thể vực dậy tâm hồn bị bạo bệnh này. Nếu tự mình gượng dậy thì bằng cách nào đây?

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bước đầu bao giờ cũng là có ý gượng dậy. Sau đó dù biết cách cũng rất vất vả để bình tâm quan sát tâm mình. Cho đến khi là một thói quen kịp nhận ra những gì mình đang chìm trong đó.

      Cần thêm một thời gian nữa, để sức công phu (ứng dụng) đủ trên những gì mình biết cần làm trong lúc này. Lúc đó tâm mới nhẹ nhàng một chút, mới đủ để hiểu rõ tất cả chỉ vì điều mình mong muốn hay mơ ước không như ý.

      Tuy viết dài dòng, nhưng tư tưởng qua tâm rất nhanh theo tiến trình như trên.

      Sau đó thì, khi có nỗi buồn, mình cũng biết thận trọng hơn, tránh sự trốn chạy gây thêm phiền phức đau buồn hơn nỗi buồn đang có.

      Và dần sẽ biết rõ cách làm chủ tâm mình!

      Mong là qua những lần trao đổi này giúp chúng ta dần hiểu rõ tâm mình hơn.

      Xóa
    2. Vâng. Vậy thực chất của nỗi buồn là do tâm mình khởi ra? Như vậy là tự mình làm khổ mình.

      Xóa
    3. Thường là tự mình làm khổ mình thêm, sau khi người làm khổ mình!

      Hiểu cho được tường tận những giao động trong tâm, chúng ta cũng cần nhiều kiên nhẫn và bình tâm với chính những tư tưởng vừa khởi lên của mình.

      Xóa
  3. Khi có một người bạn làm cho mình buồn và thực sự có thể là tổn thương lòng. Thì những lúc như vậy thường làm cho tâm ta rất là căn thẳng và có những ý nghĩ rất là tiêu cực.
    Và rồi muốn dừng mọi suy nghĩ về điều mà người đó làm cho ta buồn, cho ta tức giận nhưng thật sự là khó, muốn nói cho hả lòng hả dạ và đã có lúc đã phát ra những lời không tốt, dù biết rằng "no mất ngon, giận mất khôn". sau nhưng cơn bực tức ấy nóng nảy ấy, nhìn lại mình thì thật là quá hổ thẹn.
    Thế nhưng mọi thứ rồi cũng sẽ qua và ta có thể tha thứ bỏ qua mọi lỗi lầm ấy cho họ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nếu không rõ được những biến chuyển của tâm, thì rồi sự việc cứ tiếp diễn mãi như thế, tạm gọi là vòng luân hồi của nỗi buồn.
      Bạn đã để hết tâm mình giải quyết những tiếp nối này, thì thận trọng với câu "mọi thứ rồi cũng sẽ qua", vì nó qua rồi trở lại với một hình thức khác, nhưng gốc thì vẫn vậy!

      Xóa
  4. Bình tĩnh rồi hãy nóng giận. Bỏ qua một lần, chắc chắn sẽ còn nhiều lần liên tiếp. Không ai có thể làm tổn thương mình, trừ khi mình cho phép.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, trừ khi mình cho phép.
      Nhưng mình luôn cho phép như thế! Chỉ vì không thực sự sống được với câu "trừ khi mình cho phép".

      Xóa