Chủ Nhật, 3 tháng 11, 2013

"Thân lừa ưa nặng"

“Thân lừa ưa nặng” là thành ngữ ví người ương bướng, ngang ngạnh một cách ngốc nghếch, phải để người ta có biện pháp mạnh mới chịu phục tùng, nghe theo.

Đọc câu này chắc chúng ta không đồng ý, thường cho rằng mình bén nhạy thông minh, như ẩn dụ ngựa thấy bóng roi đã chạy theo một tích truyện trong A-hàm:

Cao nhất là hạng tuấn mã (hay lương mã), chỉ cần thấy bóng roi đã hiểu ý của người mà chạy. Hạng ngựa thứ hai phải để roi chạm lông rồi mới hiểu. Hạng thứ ba đợi roi đụng vào thịt mới vỡ lẽ ra. Còn hạng thứ tư, phải chờ lúc roi quật thấu xương tủy rồi mới bắt đầu hiểu mà chạy.”   

Dường như lúc nào chúng ta cũng nghĩ mình tự trọng tự giác, nếu được vậy thì nội quy không cần nữa! ban đầu đâu có nội quy gì, dần dần càng lúc quy định càng chặt chẽ.

Nơi nào nhiều nội quy, nhiều kỷ luật nhiều đe răn là biết thấy bóng roi chưa chạy. Nhắc nhở chưa đủ để tự tỉnh giác ít, mới cần nhiều kỷ luật. Cái hàng rào càng chắc thì biết tâm ruổi rong chưa dừng, nên làm nhiều lớp rào để giữ chân.

Bạn có để ý rằng chính vì chúng ta ưa nặng mới chịu chạy, nên cứ chờ bị kỷ luật, nhắc nhở trách phạt... mới chịu tuân theo!


Đáng buồn bạn nhỉ! 


9 nhận xét:

  1. Nội quy, kỷ luật dành cho những người sống trong cùng một tập thể hoặc tham gia vào tập thể đó. Vì vậy nếu mình thấy không hợp thì xin rút lui, đâu cần để ai nhắc nhỡ hay trách phạt.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đời sống không đơn giản như vậy! Chẳng hạn trong quân đội, thích hợp hay không cũng không thể tự ý rút lui. Hoặc như trong gia đình, đâu thể mỗi khi không tuân phục cha mẹ thì liền bỏ nhà đi.

      Chính vậy trong học đường lúc nào giáo viên cũng cần nhắc nhở học trò, hoặc phải phạt khi em không thuộc bài, hoặc có những hành động không tốt!

      Đôi khi tất cả những điều đó chỉ vì chính chúng ta không đủ sức tự kiểm soát lấy mình, nên đành để người khác nhắc nhở và kiểm soát.

      Bài viết chỉ để nói lên chỉ vì sức chúng ta trong một nơi nào đó, không đủ bình tâm tỉnh trí, nên phải có một số quy ước để giúp chúng ta bên bờ vực thẳm. Chính vậy cần sức tỉnh giác để biết việc gì nên làm và việc gì nên tránh, mà thôi. Mọi điều trong bài viết chỉ nói lên sự tự hiểu chính mình để chính mình tự tiến bộ, nếu muốn đời sống mình là niềm vui và an ổn cho người sống gần.

      Xóa
  2. Bài viết lấy trong tích truyện A hàm thật có ý nghĩa trong việc giáo dục con người. Lời viện dẫn thật nhẹ nhàng, dễ hiểu khiến cho bất cứ ai đang sống trong môi trường kỷ luật tốt dễ ngộ nhận ra. Người có ý thức tổ chức kỷ luật trước tiên là biết tôn trọng chính bản thân, sẽ được nhiều người kính trọng. Bất cứ ở môi trường nào cũng vậy, người vô tổ chức là người luôn bị cộng đồng loại bỏ./.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, thường thì ai cũng cố gắng tuân thủ, nhưng đôi khi không vượt qua nổi thói quen lâu đời của chính mình, nhưng lại không biết như thế, nên gây ra nhiều tình huống khó khăn cho nhau.

      Mỗi việc đều có một phạm trù riêng, kể cả tâm vọng động cũng bị ảnh hưởng môi trường đã sống từ bé.
      Sự thận trọng cho chính mình không bao giờ thừa cho dù ở trường hợp nào.

      Xóa
  3. Biết làm điều gì đó là sẽ đưa tới hậu quả xấu nhưng vẫn cứ làm. Mình đa phần không khác gì thân lừa. Có phải quý Tổ cũng có nói: "biết là cố phạm". Chắc là vì thói quen lâu đời, khó bỏ được. Nếu ai cũng giữ được không làm điều xấu thì đức Phật đã không đặt ra "giới". Nếu chúng ta không "ưa nặng" thì chắc không cần phải để ý tới "giới" nữa? Vì mình đã sống được "thuận pháp" có nghĩa là thuận theo "giới".

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Nói chung là vậy, nên lúc nào cũng phải có nội quy, kỷ luật... Nhưng một khi đã ý thức muốn tự giúp mình có tâm hồn thanh thản thì tự nhiên sẽ dừng lại.

      Người đừng được thì thường quá khắc khe với những ai chưa dừng được. Nhưng nếu hiểu rõ được những biến động của tâm, thường có trách mắng hay xử phạt một ai cũng với sự thương cảm cho người không vượt qua được những điều mà đôi khi chính họ cũng muốn vượt qua nhưng chưa đủ nghị lực.

      Xóa
  4. Bạn PB nói rằng: "Chúng ta không thể đổ lỗi do thói quen. Người biết sai mà vẫn làm, đây là lỗi cố ý - không có tình tiết giảm nhẹ nên cần phải xử lý nghiêm để bảo vệ thanh uy của "giới" ."

    Điều này không sai bạn ạ. Nên luật pháp căn cứ vào tội trạng để xét xử. Nhưng trên bình diện của chúng ta, sự thấu hiểu một con người vẫn là cần yếu. Chúng ta dĩ nhiên không thể đồng ý với người "biết mà cố phạm", có nghĩa là chúng ta vẫn thường không đồng ý với chính mình, với những điều đáng ra không nên làm, mà chúng ta vẫn làm.
    Nhưng rồi, chính mình vẫn tha thứ cho mình, để mà tiếp tục cố phạm, nên luật bên ngoài phải can thiệp!

    Đây là điều chủ ý của bài nêu lên đấy bạn PB ạ. Chỉ là để nhắc cho mình vì sao mình phải chịu đôi điều rầy rà trách cứ. Chuyện nhỏ hiểu được, thì những điều to tát hơn mới khả dĩ có thể không xảy ra làm thương tổn cho mình trong đời này và đời sau!

    Trả lờiXóa
  5. Nếu kỷ luật không nghiêm thì quản lý sao được? Nếu đã chấp nhận tha cho người, bỏ qua cho mình thì luôn phải chấp nhận sự rầy rà trách cứ, đó là điều tất yếu.

    Tóm lại, tùy theo hoàn cảnh để có biện pháp phù hợp. Trong cuộc sống, sự thương tổn là điều không tránh khỏi.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Có lẽ chúng tôi nói không rõ.
      Ý chỉ là vì sự "biết mà cố phạm" trong mỗi chúng ta, vì sao như thế, chỉ vì sự biết này chỉ nằm trên ý thức, nên chưa thể có sức mạnh, và chữ "cố phạm' cũng chỉ để nói lên sự chưa thể đem mọi điều hiểu được do trí thông minh vào chính mình!

      Xóa