Thứ Tư, 26 tháng 6, 2013

Nóng ngầm

Có lẽ như cơn sóng ngầm vậy, trên bề mặt chưa gây tác hại gì. Nhưng trong tâm đã là giông bão âm ỉ. 

Chưa phát ra, chứ không hẳn là không phát ra.
Bạn cho rằng, không giận chỉ không muốn nhìn mặt. Thật sự cơn nóng đã chìm thật  sâu, có lẽ ở độ sâu mà ý thức phơn phớt không nhận ra, nên chúng ta nghĩ rằng chúng ta không giận.

Cảm giác này rất khó tả, nhìn kỹ sẽ hiểu, chỉ vì “nhân vật” hoặc sự việc đó đã gây nhiều phiền lụy, thương tổn cho tâm mình, nên mình “sợ” gặp. sợ phải tiếp tục chịu những thái độ hoặc lời nói mà mình không chấp nhận được. Thôi thà tránh mặt còn hơn.  Nếu vì nhiều lý do không thể tránh hẳn, thì cũng tìm cách tránh bằng cách chỉ ở nhà những giờ bên kia không có mặt.

Ở sở làm, ở tập thể… cơn sóng ngầm này tàn phá tâm tư chúng ta rất nhiều. Nó khiến chẳng bao giờ tâm tư an, khi nghĩ đến “nhân vật” hay sự việc đang đối đầu, vẫn nghe trong tâm bùng bùng một cảm thức khó chịu. Đến tên người đó cũng không muốn nghe nhắc tới, vì sao bạn để ý không, vì tên đó là đường dẫn đến kho chứa những chuyện đã qua!

Khi bạn đã từng có lần như thế, thử nhìn xem đâu là đầu mối để gỡ.


Vậy làm sao? Chúng ta từng hỏi thế trăm lần. Bạn có câu trả lời chưa?

18 nhận xét:

  1. Vậy thì phải nhìn tâm mình và tìm cho ra tại sao mình khó chịu? Không phải vì đối tượng đó/người đó mà mình khó chịu, vì nếu người khác cũng cùng chung thái độ, cùng chung lời nói đó đối sử với mình, chưa hẳn mình đã bực như vậy. Có thể vì mình không chấp nhận họ, mình muốn họ theo ý mình nhưng họ không theo, cũng có lẽ vì họ không thừa nhận mình, nên mình nóng. Và có lẽ vì thương họ hay vì tự trọng, mình làm thinh để cho yên chuyện, và cái nóng ngầm càng ngày càng nhiều thêm, mà nó vầy vò tâm mình. Và mình sợ gặp người đó, vì sợ phải đối diện với cơn nóng mà mình ngày đêm đè nén, sợ cơn nóng sẽ bùn nổ làm tang đi mối tương giao. Sợ rất nhiều điều sẽ xảy ra nhưng mình không rõ là sợ gì, vì nghĩ cũng không giám nghĩ tới. Muốm tâm an thì phải có can đảm đối diện sự việc và đừng quá chấp chặt vào ý của mình, thật không dễ đâu.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Khi mình muốn có một thay đổi cho đời mình, mới có quyết tâm. Chúng ta đều hiểu rằng nếu không có một cái nhìn khác thì sẽ cứ thế mà khổ hết đời. Vấn đề là can đảm nơi tâm, vì thật ra chúng ta chưa nhìn thấu tâm chính mình, nên vẫn có sự trốn tránh.
      Nhưng nếu có một thiết tha, sẽ có câu trả lời, chỉ khi nào mình thật sự nhận ra những diễn biến trong tâm, chỉ là vọng động. Nhưng bạn thấy đó, vì mình không quan tâm để làm những gì mình đã hiểu trên ý thức.
      Sự học còn mất mười mấy năm để ra trường, nữa là học về tâm, phải không bạn.
      Chúc bạn có nhiều duyên tốt để làm chuyện không dễ này thành dễ!

      Xóa
  2. Bài viết thật hay, chỉ ra thật đúng tâm trạng «nóng ngầm». Mình cũng đã từng trăn trở, thao thức đi tìm đầu mối để «gỡ» sự âm ỉ này ra khỏi tâm. Nhưng thiệt là khó quá.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Đúng là "khó quá", "không dễ"... nên đến bây giờ người nóng vội vẫn nóng vội và người nóng ngầm vẫn nóng ngầm!

      Nhưng rõ ràng, cường độ có giảm đáng kể khi mình bắt đầu ý nhiều đến những vọng động của tâm. Mọi cái đều trôi qua, nhưng mình vẫn giữ chặt điều đó. Vì sao, bạn có để ý không? Vì đối với chúng ta "điều đó là thật". Nên các bậc Thầy hết sức chỉ ra cái gì trôi qua chỉ là cái bóng, không thật! Nhưng chúng ta chưa quen được với góc nhìn này.
      "đau" thuộc về thân, "khổ" thuộc về tâm.
      Khi hiểu rõ, sẽ có ngày bất chợt nhận sâu hơn, mọi việc nhẹ ra nhiều, khi mọi việc nhẹ ra, tâm mới "sáng suốt" nhìn sự việc.
      Bạn cứ dần thế, câu trả lời mới có mặt.

      Xóa
  3. Theo mình thì cái "nóng ngầm" này cũng có "phân biệt" lắm à nghen. Bản thân mình, người nào mình thương, mình quý, rầy mình thì một là mình im lặng hay là cũng có cãi lại chút chút hoặc có khi cũng tránh mặt, cao lắm là 3 ngày. Sau đó, khi "nguôi nguôi", mình lại muốn đối diện để giải quyết vấn đề cho xong vì để trong lòng hoài nặng nề quá. Và khi đã đối mặt được rồi thì mọi việc nhẹ nhàng hơn, trong lòng thôi vướng bận. Còn đối với những người "dưng" thì mình lại khác bởi "khi nghĩ đến “nhân vật” hay sự việc đang đối đầu, vẫn nghe trong tâm bùng bùng một cảm thức khó chịu. Đến tên người đó cũng không muốn nghe nhắc tới". Y chang vậy đó. Nhưng từ đó giờ mình quên không để ý, bài viết này đã chỉ ra cho mình một điều rất chý lý "vì sao bạn để ý không, vì tên đó là đường dẫn đến kho chứa những chuyện đã qua"!. Như vậy cái mà mình không muốn "nhìn mặt" thật ra chính là sự việc,là mâu thuẫn chứ không hẳn là "cái mặt" người đó. Vậy mà trước giờ, nếu có ai hỏi, bộ giận người A, người B... hả? Mình luôn trả lời: Không có giận, đơn giản chỉ là trong tôi người đó không tồn tại.
    Giờ thì mình đã hiểu được vấn đề, không phải là không tồn tại mà ngược lại, tồn tại rất rõ dưới mạch ngầm của cơn nóng.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Bạn thấy rõ, không những không tồn tại mà trái lại!
      Chỉ khi thấy rõ chúng ta mới biết làm thế nào, đôi khi tự khám phá ra cách đấy. Có khám phá ra cho các bạn cùng biết với .

      Xóa
  4. Trong cuộc sống mình, cũng có một nhân vật như thế. Mình để yên, có chợt nghĩ đến thì không nghĩ tiếp. Nhưng thâm tâm vẫn nơm nớp lo sợ ngày gặp lại!
    Mình đã áp dụng nhiều cách, sau cùng thấy việc chưa tới, chưa có dịp "phải" gặp, nên cách giải quyết là không nghĩ tới.

    Cao Tùng thấy có những chuyện, nếu qua rồi, thôi cho qua, đừng nghĩ tới nghĩ lui. Với lại mình hiểu, mọi thứ từ tâm, chuyện qua mà mình quá lo lắng chỉ tự làm khổ. Làm chủ được suy nghĩ, cũng hóa giải được rất nhiều bất an trong tâm, các bạn ạ.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Mình hoàn toàn đồng ý với Thach Cao Tùng. Thích nhất là câu: "Làm chủ được suy nghĩ cũng hóa giải được rất nhiều bất an trong tâm".

      Xóa
    2. Chúc bạn luôn an vui khi chuyện qua mà dừng được những suy nghĩ tới lui với việc đó.

      Xóa
  5. "Nóng Ngầm" này là nói về cái tâm của mình. Do tâm mình tạo nếu một khi tâm mình không suy nghĩ những điều xấu đến vói ai thì làm sao mà có sự "Nóng Ngầm" được,cũng đừng trách móc ai hết,do tâm mình tạo thì mọi việc điều đến với mình. Cho nên đức Phật có dạy.Tâm dẫn đầu các pháp,Tâm làm chủ tạo tác, Nếu nói hay hành động, Với tâm tư ô nhiễm, Khổ não sẽ theo ta,Như bóng không rời hình. Hận thù diệt hận thù, Đời này không thể có, Từ bi diệt hận thu, Là định luật ngàn thu.
    Ta oán giận người không đau,
    Mà tâm ta nổi sóng ba đào.
    Nhiều đêm buồn thức ta không ngủ.
    Ta tự chôn mình dưới thẳm sâu.
    Cho nên Đức Phật dạy cho chúng ta lấy đó làm kim chỉ nam trên bước đường tìm cầu giải thoát.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tuy vậy nhưng vấn đề thực tế là mình giải quyết thế nào. Hằng ngày thực sự mình vẫn phiền trách, chính thế con đường mới gian nan. Vì khi mình nóng, mình không nhận ra là do chính mình bạn ạ.

      Nhận cho ra những điều này đang diễn tiến nơi tâm mình, mới có thể giảm bớt cường độ tác hại của nó.

      Xóa
  6. Tại vì sao người không thích mà mình luôn nghĩ đến hay muốn trốn tránh? Vì họ không công nhận mình nên họ luôn làm mình bị tổn thương! Và mình muốn được công nhận nên mình khổ.
    Vì vậy, để hiểu về một ai đó quả thật không phải chuyện dễ. Ngay tới chính bản thân họ, đôi khi họ cũng không thể hiểu nổi mình. Thực chất, để hiểu được bản thân mình không khó. Nếu chúng ta có những khoảng lặng, ngồi nghĩ về những gì đã qua, đánh giá về những việc mình đã làm, đó là hình ảnh chân thực nhất về bản thân.
    Vậy ta có thể thay đổi bản thân ta không?

    Trả lờiXóa
  7. Bạn, chính mình không hiểu mình trước! nếu mình thật hiểu mình, có lẽ cũng hiểu họ đôi chút đấy.

    Hiểu bản thân mình, theo ý QN thì thật khó, vì sao bạn để ý không? Vì mình đâu chịu rằng mình không ra gì, luôn tìm cách biện hộ, bao nhiêu đó là thấy mình không thật hiểu mình rồi.

    thay đổi bản thân, có thể chứ. Vì bản thân thay đổi khi "cái nhìn" thay đổi. Chẳng hạn lúc trước chúng ta hay chấp người đó phải thế này thế kia, nên luôn bực bội khi họ không như thế. Sau khi có cái nhìn cởi mở, thì rõ ràng mình có vui tươi hơn, không đến nỗi quá nặng nề khi gặp nhau!

    Nêu một chuyện nhỏ, để thấy mình khả năng thay đổi cái nhìn của mình, nhưng phải có một cái gì đó lay động tâm mình, mình mới "tỉnh thức".

    Bạn có nghĩ vậy không? Cho mình biết với.

    Trả lờiXóa
  8. Đúng vậy! Khi có một cái gì đó lay động tâm mình mới “tỉnh thức”. Chính bản thân mình đã gặp phải việc đó rồi nên mình hiểu được.
    Khi sự việc sảy ra mình tưởng chừng như bế tắt và không có lối thoát, mình cứ bị nó quay cuồn trong đó. Nhờ vào sự tác động của thiện hữu hướng dẫn và giải tỏ được tâm của mình nên mình trở nên nhẹ nhàng và có cái nhìn khác về sự việc đó.
    Nên theo mình muốn “tỉnh thức” cần phải có sự lay động tâm đó là điều không thể thiếu đối với bản thân mình. Và mình hy vọng mọi người cũng cùng ý nghĩ như vậy.
    Vì theo mình đó là một chất liệu của cuộc sống và không thể thiếu trong cuộc đời này.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Tâm lay động này nếu không biết thì mình coi đây chỉ là phiền nảo của người khắc đem đến tới mình. Vì vậy không biết làm cách nào mới thấy được đây là bài học mình cân phải học?

      Xóa
    2. Khi có thói quen để ý những giao động của tâm, lâu dần sẽ nhận ra, khi nhận biết, từ đó mới "điều phục" được

      Xóa
  9. Bạn nhắn tin nói với tôi:
    "Non sông dễ đổi..." những người đã không 'hợp' nhau thì cũng không nên giao tiếp với nhau nhiều để tránh những cơn 'nóng ngầm" ngày càng tăng hơn nữa'.

    Đôi khi có những người không thể tránh mặt, thì tránh nói nhiều để khỏi phải mỗi ngày nghe cơn nóng bốc lên trong tâm.
    Có lẽ đó chỉ là bước đầu, vì chưa thể chia tay. Sau đó là chiều sâu của tâm cần khám phá. Hiểu được những diễn biến của tâm thì nỗi đau của cơn nóng ngầm này mới có thể nguôi ngoai và dần tan biến.

    Trả lờiXóa